Từ nhiều năm qua, các công ty của Đức đã cảnh báo về một quả bom hẹn giờ ngay chính tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu với nguyên nhân chính là do thiếu hụt lao động lành nghề.
Vấn đề này đã trở thành chủ để gây tranh cãi và ngày càng trở nên gay gắt.
Các công ty trong nhiều lĩnh vực đã chia sẻ rằng họ vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.
Chính phủ Đức cho rằng nhập cư là một trong những giải pháp và hy vọng quốc hội sẽ thông qua luật cải cách nhập cư sửa đổi trong vài tuần tới.
Với luật mới, Đức có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài.
Phát biểu với tờ Financial Times trong tuần này, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cho biết: “Nếu chúng ta không hành động gì, đến năm 2035, Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động.”
Ông chia sẻ nỗi lo của nhiều doanh nghiệp rằng nếu không hành động từ bây giờ, sự thiếu hụt lao động không lâu nữa sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Đức.
Một vấn đề trong nhiều lĩnh vực
Với nhiều ngành công nghiệp, vấn đề thiếu lao động đã rất rõ ràng. Ông Andreas Rade thuộc Hiệp hội Công nghiệp ôtô Đức (VDA) đã phát biểu rằng: “Việc thiếu công nhân lành nghề là một trong những thách thức chính đối với các công ty trong ngành ôtô Đức.”
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, hơn 3/4 các công ty hiện đang thiếu hụt nhân công trầm trọng.
Một bức tranh tương tự cũng xảy ra với ngành cơ khí, mà từ lâu được xem là một trong những động lực chính của thị trường xuất khẩu khổng lồ của Đức.
Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW, ông Thilo Brodtmann thuộc Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức (VDMA) bày tỏ: “Kể từ năm 2021, tình hình ngày càng tồi tệ khi có tới hơn 70% công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang thiếu hụt trầm trọng và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong suốt năm 2023.”
Ông nói: “Hậu quả đang hiện hữu rõ ràng: tình trạng thiếu lao động lành nghề đang làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.”
Khảo sát các công ty và doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau của nền kinh tế Đức, DW cho biết sự đồng thuận gần như tuyệt đối rằng tình trạng thiếu lao động lành nghề là vấn đề lớn nhất hoặc lớn thứ hai mà lĩnh vực của họ phải đối mặt, liên quan đến những khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Chuyên gia Sabrina Pfeifer thuộc Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Kỹ thuật số Đức (ZVEI), nhận định tình trạng nghỉ hưu hàng loạt của “thế hệ baby boomer” (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến năm 19640 trong những năm tới tạo ra một “cuộc chiến của tài năng.”
Bà Pfeifer cho biết hơn 40% các công ty trong lĩnh vực điện và kỹ thuật số đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí, đặc biệt là ngành bán dẫn bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Jörg Mayer đến từ Spectaris, đại diện cho các công ty Đức trong lĩnh vực quang học, quang tử và công nghệ y tế, cho biết sự thiếu hụt lao động có tay nghề là mối đe dọa mục tiêu của Đức trở thành quốc gia số hóa và đổi mới công nghệ hơn.
Phát biểu với DW, ông Mayer khẳng định: “Chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề lớn ở đây là việc thiếu nhân sự phù hợp đang ngày càng gây khó khăn cho khả năng cạnh tranh và đổi mới." Ông nói rằng việc thiếu thực tập sinh là một mối quan tâm hàng đầu hiện nay.
Hệ thống giáo dục kép của Đức, kết hợp đào tạo nghề với học việc, từ lâu đã được coi là một trong những chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, ngày càng ít người Đức thích học nghề. Năm 2022, có tổng cộng 469.000 người theo học nghề, ít hơn khoảng 100.000 người so với năm 2011.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất (BAVC) Sebastian Kautzky, cho biết: “Thực tế việc thị trường đang thay đổi là điều khó tránh khỏi. Trong đào tạo, việc lấp đầy tất cả các vị trí theo yêu cầu đang ngày càng trở nên khó khăn."
Toàn dụng lao động nhưng không đủ nhân công
Bất chấp mối lo ngại từ nhiều ngành công nghiệp, một số chuyên gia đã chỉ ra tỷ lệ việc làm cao kỷ lục sau khi nước Đức thống nhất và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng lao động không tồi tệ như chúng ta thấy.
Khoảng 45,6 triệu người Đức đã có việc làm vào năm 2022, nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1990, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,8%.
Đầu năm nay, chuyên gia thị trường lao động Đức Simon Jäger nói với DW rằng tỷ lệ việc làm cao của nước này phản ánh sự thiếu hụt lao động có kỹ năng.
Chuyên gia Enzo Weber, thuộc Viện Nghiên cứu việc làm (IAB) của Đức, cho biết lao động ở Đức đã trở nên khan hiếm hơn kể từ giữa những năm 2000 và thị trường hiện nay vẫn khó khăn hơn bao giờ hết.
Thừa nhận số lượng công nhân hiện có ở Đức không giảm, nhưng ông Weber cảnh báo rằng điều đó có thể xảy ra vào những năm 2020 “khi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số nghỉ hưu.”
Hãy đến và làm việc ở Đức (nhưng trước hết phải biết tiếng Đức)
Đối với hàng nghìn công ty, nhìn chung tình hình đang ngày càng tồi tệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cho rằng thúc đẩy cải cách nhập cư được gọi là “Đạo luật nhập cư” sẽ cải thiện tình hình.
Mặc dù dự luật sẽ nới lỏng các yêu cầu nghiêm ngặt của Đức đối với người lao động từ nước ngoài có bằng cấp được Đức công nhận, nhưng một số nhóm ngành nghề vẫn lạc quan một cách thận trọng, cho rằng những sửa đổi này chưa đủ để giảm khó khăn do quy định nghiêm ngặt hiện nay với người lao động trong tương lai phải biết nói tiếng Đức nếu muốn đến làm việc.
Ông Brodtmann thuộc VDMA cho rằng kỹ năng tiếng Đức đang bị phóng đại. Ngày nay, kỹ năng tiếng Anh tốt là đủ để làm việc trong hầu hết các công ty công nghiệp.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng đầu tư của chính phủ vào giáo dục và đào tạo phải được tăng cường để cải thiện số lượng thực tập sinh trong lực lượng lao động trong nước.
IAB ước tính từ nay đến năm 2060, cứ 3 năm một lần, Đức cần bổ sung 1,2 triệu công nhân để duy trì lực lượng lao động đầy đủ./.
Phương Hoa (Vietnam+)