Báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) cho biết tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này đã đạt đỉnh và sẽ giảm dần trong thời gian tới, nhưng mức giảm được dự báo sẽ rất chậm.
Theo chuyên gia kinh tế Timo Wollmershäuser, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Viện Ifo, làn sóng tăng giá tiêu dùng đã vượt qua đỉnh điểm. Chỉ số kỳ vọng giá cả hằng tháng đã giảm từ mức mức 27,1 điểm trong tháng Ba xuống còn 21,5 điểm trong tháng Tư. Đây là lần giảm thứ bảy liên tiếp của chỉ số này.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành bán lẻ có kế hoạch tăng giá vẫn ở mức 20%, cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm qua. Do đó, lạm phát vẫn ở mức cao và sẽ chỉ giảm rất chậm trong những tháng tới.
Báo cáo của Viện Ifo cũng cho thấy kỳ vọng giá tăng trở lại xuất hiện chủ yếu ở một số lĩnh vực bán lẻ như thực phẩm và đồ uống, máy tính và phần mềm, xe đạp, công nghệ thông tin và truyền thông…
Lạm phát cao liên tục đã và đang gây áp lực lớn lên người dân Đức. Theo báo cáo ngày 27/4 của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), dù mức lương cơ bản đã tăng từ quý 4 năm 2022 nhưng tiền lương thực tế của người lao động trong năm 2022 lại giảm tới 4% so với năm 2021, nhiều hơn dự báo giảm 3,1% trước đó của các chuyên gia kinh tế.
Đây là lần giảm thứ ba liên tiếp từ năm 2020 và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu này được thống kê năm 2008. Trong hai năm đầu của đại dịch COVID-19, mức giảm lương thực tế thấp hơn nhiều (năm 2020 giảm 1,1%; năm 2021 giảm 0,1%).
Trong năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng tiền lương thực tế sẽ tiếp tục giảm do lạm phát vẫn cao dai dẳng.
Theo dự báo mới nhất của chính phủ liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát năm 2023 của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ ở mức 5,9%. Tiền lương thực tế chỉ có thể tăng trở lại trong năm 2024, vì tỷ lệ lạm phát khi đó dự kiến sẽ giảm xuống 2,7%./.
Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)