Thị phần ô tô điện ở Đức đã tăng lên nhưng vẫn còn tương đối nhỏ. 10 năm trước, con số này chiếm 0,02% tổng số ô tô lưu hành, ngày nay con số đó là 2,08%.

1 Nganh O To Cua Duc Da San Sang Cho Nhung Thach Thuc MoiHệ thống sạc xe điện

Các nhà sản xuất ô tô Đức đang tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh về cuộc cách mạng e-mobility (phương tiện chạy điện) khi kỷ nguyên của những chiếc ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch dần kết thúc. Liệu các hãng sản xuất ô tô này có thể thích ứng với những thách thức mới?

Đa số những quảng cáo hiện nay của các hãng chế tạo ô tô đều vẽ ra viễn cảnh của ngành giao thông vận tải là sạch sẽ và yên tĩnh. Những chiếc ô tô chạy nhẹ nhàng, không khí thải độc hại, chạy trên những con đường vắng vẻ, yên bình ở những thành phố sạch sẽ, không bị ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế có phần khác vì hiện tại ùn tắc giao thông, tiếng ồn và mùi hôi của khí thải vẫn đang phổ biến ở Đức.

Theo Cơ quan Vận tải cơ giới Liên bang Đức (KBA), thị phần ô tô điện ở nước này đã tăng lên nhưng vẫn còn tương đối nhỏ. Nếu như 10 năm trước, con số này chiếm 0,02% tổng số ô tô lưu hành, ngày nay con số đó là 2,08%. Điều này có nghĩa là cứ 50 chiếc ô tô mới có một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện.

Bạn có thể hài lòng hoặc chưa hài lòng với xu hướng đó. Bạn có thể thấy tiếc rẻ vì có tới gần 98% ô tô vẫn chạy bằng động cơ đốt trong. Dù thích hay không, xu hướng sản xuất các phương tiện chạy điện sẽ tiếp tục. Câu hỏi đặt ra là liệu ngành công nghiệp ô tô của Đức, một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đã sẵn sàng cho tương lai hay chưa.

Tụt hậu so với các nước khác

Đức hiện không đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các phương tiện chạy điện. Ông Ferdinand Dudenhöffer, từng là Giáo sư về tự động hóa tại Đại học Duisburg-Essen và hiện là nhà tư vấn độc lập, cho biết: “Việc Đức ngừng chính sách hỗ trợ mua xe điện hôm 17/12/2023 cho thấy chính phủ đang hãm lại lĩnh vực ô tô điện ở Đức”.

Ông Dudenhöffer ước tính thị phần ô tô điện ở Đức sẽ giảm trong năm 2024 và trên bình diện toàn cầu, triển vọng của xe điện cũng ảm đạm không kém. Ông nhận định: “Chỉ có Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tối đa và điều đó sẽ mang lại lợi ích gấp đôi và gấp ba cho ngành công nghiệp ô tô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này”.

Trước đó, do phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức khẳng định việc Chính phủ Đức chuyển đổi mục đích khoản tín dụng 60 tỷ euro (65,5 tỷ USD) từ chống dịch COVID-19 sang quỹ chống biến đổi khí hậu là vi hiến,  buộc liên minh cầm quyền Đức thực hiện chính sách tiết kiệm, theo đó chính phủ phải ngừng chương trình trợ cấp cho xe điện sớm hơn dự định. Kể từ ngày 18/12/2023, người mua xe điện không thể nộp đơn xin trợ cấp như trước nữa.

Ông Stefan Bratzel, Giám đốc Trung tâm Quản lý ô tô ở Bergisch Gladbach, gần thành phố Cologne của Đức, cũng tỏ ra bi quan. Theo quan điểm của ông, cuộc đua của các loại xe ô tô điện ở Đức nói riêng, châu Âu nói chung và Trung Quốc đã kết thúc. Việc thúc đẩy thị trường nhanh chóng mới là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các mục tiêu mà Chính phủ Đức đặt ra là quá tham vọng, khó có thể đạt được”.

Theo đánh giá của chính phủ, khoảng 15 triệu xe điện sẽ xuất hiện trên các con đường ở Đức vào năm 2030.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo Giáo sư Dudenhöffer, ngày 30/11/2023, các hãng chế tạo ô tô BMW và Mercedes-Benz đã công bố kế hoạch thiết lập một mạng lưới các trạm sạc nhanh cho xe điện ở Trung Quốc - một sự phát triển hợp lý. Đức không phải là quốc gia mà những khoản đầu tư như vậy đáng giá, bởi ở  Trung Quốc, ô tô điện hiện chiếm thị phần gần 40%.

Mặc dù thừa nhận là mối quan hệ hai chiều, nhưng ông Bratzel cũng nhấn mạnh nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc cũng phụ thuộc vào chúng tôi, nhưng vẫn phải cảnh báo rằng trong lĩnh vực xe điện, chúng tôi phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Điều đó sẽ còn tiếp tục trong vài năm nữa, đặc biệt là khi nói đến pin”.

Giáo sư Dudenhöffer cho biết việc phát triển và sản xuất pin là chìa khóa, thừa nhận Đức đang mở rộng chậm hơn. Sản xuất đang chuyển sang Đông Âu vì năng lượng ở đó rẻ, nhưng Trung Quốc đã đi đầu và tầm ảnh hưởng của nước này sẽ tiếp tục tăng lên.

Sản xuất sụt giảm

Các nhà sản xuất Đức đang phải chịu gánh nặng do nhu cầu trì trệ. Tờ Rheiderland Zeitung mới đây đưa tin nhà máy VW ở Emden, Đông Frisia, tiết lộ rằng việc sản xuất xe điện đã đi vào bế tắc vào đầu mùa Hè và nhiều lần ngừng sản xuất.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bosch cho biết sản xuất xe điện đã giảm một số hạng mục và nhân lực cũng thu hẹp lại, không chỉ đối với các nhà sản xuất ô tô mà cả các nhà cung cấp. Đơn cử, có tới 1.500 việc làm liên quan đến nhà cung cấp của Bosch sẽ bị cắt giảm. Theo thông báo mới nhất, việc cắt giảm một phần được biện minh là do nhu cầu việc làm trong lĩnh vực xe điện giảm.

Cơ quan Vận tải Liên bang ước tính sẽ có khoảng 10 triệu xe điện sẽ được đăng ký ở Đức trước ngày 1/1/2030, tương ứng với tỷ lệ xe điện là 20-25%. Tuy nhiên, điều mà cơ quan chức năng không thể dự đoán là sẽ có bao nhiêu chiếc xe điện này được sản xuất ở Đức./.

Phương Hoa




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC