Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, người dân có truyền thống thuê nhà nhiều hơn mua nhà. Trong khi ở châu Âu, khoảng 70% dân số sở hữu ngôi nhà hoặc căn hộ mà họ sống, tỷ lệ này ở Đức chỉ là 46%. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ sở hữu nhà thậm chí còn thấp hơn.
Tìm kiếm 1 căn hộ rộng hơn, gần trường con đang học và quan trọng là có giá thuê phải chăng…những tưởng là điều dễ dàng tại Đức, nhưng gia đình 3 người của chị Corinna đã phải cân nhắc lại nhu cầu này do giá thuê nhà tại thành phố Munich đã tăng tới 22% suốt 3 năm qua. Hiện 1m2 cho thuê là hơn 20 Euro, cao nhất tại Đức.
"Cũng có 1 - 2 căn hộ trống quanh khu vực tôi sống, nhưng nếu để cân nhắc việc có thêm 1 phòng ngủ và mức giá thuê phải bỏ ra là 3.500 Euro. Quá phi lý", chị Corinna Baumann, người thuê nhà, chia sẻ.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, người dân quốc gia này đang phải dành 1/3 thu nhập để chi trả cho tiền thuê nhà mỗi tháng.
Tại Đức, người dân có truyền thống thuê nhà nhiều hơn mua nhà. (Ảnh minh họa - Ảnh: Everestate)
Theo luật, khi ký hợp đồng thuê mới, giá thuê không được cao hơn 10% so với giá thuê so sánh tại địa phương. Tuy nhiên chủ nhà ở các thành phố lớn đều tìm cách lách luật. Do quy định không áp dụng cho căn hộ được trang bị nội thất và hợp đồng ngắn hạn nên hiện hơn một nửa số căn hộ cho thuê được chào thuê dạng "có sẵn nội thất".
Lãi suất tăng cao gấp 4 lần năm qua cộng thêm lạm phát đẩy chi phí xây dựng lên cao, thiếu công nhân lành nghề đang khiến các chủ đầu tư không còn mặn mà xây dựng những căn hộ mới.
"Tỷ lệ xây dựng những căn nhà mới tại Munich đã giảm 10%, tại bang Bavaria tỷ lệ này giảm tới 28%. Lãi suất quá cao được xem là nguyên nhân chính", Giáo sư Stephan Kippes, Đại học Nurtingen-Geislingen, cho biết.
Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức dự báo, số lượng nhà xây mới tại quốc gia này sẽ giảm 32% trong giai đoạn 2023 - 2025. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, Đức chỉ có dưới 1,1 triệu căn nhà ở xã hội, là mức thấp lịch sử.