Reuters dẫn nguồn từ cuộc khảo sát của Körber Foundation cho biết 26% số người được hỏi tỏ ra lo lắng trước vấn đề người tị nạn.
Trong khi đó, mối quan hệ với Tổng thống Trump và nước Mỹ là nỗi lo lắng của 19% số người được hỏi.
Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên và Nga lần lượt chiếm 17%, 10% và 8%.
Trước đó, kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Trump khiến nhiều người Đức cảm thấy bất ổn bằng cách rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, đe dọa hủy thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran và chỉ trích thặng dư thương mại của Đức cũng như đóng góp của nước này đối với NATO.
Tổng thống Mỹ được coi là vấn đề đe dọa tới chính sách đối ngoại của Đức. Ảnh: Getty
Những động thái trên của tổng thống Mỹ nhận được phản ứng thận trọng từ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bà từng khẳng định rằng Berlin không thể dựa vào Washington trong tương lai và châu Âu nên tự quyết định số phận của mình.
Hồi tháng 10, một cuộc khảo sát với sự tham dự của 1.005 người Đức cho thấy 56% số người được hỏi đánh giá mối quan hệ Mỹ - Đức đang ở giai đoạn xấu hoặc rất xấu.
Bất chấp lời cam kết của bà Merkel, nhiều người Đức vẫn tỏ ra hoài nghi về việc nước này nên tham gia nhiều hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.
52% số người được hỏi cho rằng nước này nên tiếp tục theo đuổi chính sách kiềm chế như giai đoạn hậu chiến tranh.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã đồng ý đàm phán với liên minh bảo thủ của Thủ tướng Merkel để thành lập chính phủ và vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trước đó, sau cuộc tổng tuyển cử tháng 9, liên đảng CDU/CSU, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) tiến hành đàm phán về khả năng thành lập liên minh cầm quyền song thất bại, do FDP tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Đức. Lý do là các đảng không thể tìm ra tiếng nói chung trong những vấn đề thiết yếu như nhập cư và môi trường.
Nguồn: Thế Long
ZING