2017 là một năm đầy biến động đối với thế giới, châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng.

 

Lịch sử của nước Đức là một chuỗi những điều bất ngờ.

Ít ai nghĩ rằng mô hình chính trị xã hội được xây dựng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai có thể đưa Đức, từ một nước bại trận và chịu sự chi phối của các nước Đồng minh, trở thành quốc gia hàng đầu về kinh tế trên thế giới và có sức ảnh hưởng lớn về chính trị ở khu vực và toàn cầu.

Chẳng ai đoán được bà Angela Merkel, một Tiến sĩ Hóa học xuất thân từ Đông Đức, lại trở thành một chính trị gia xuất sắc, không chỉ của Đức, mà của cả phương Tây.

2017 cũng là một năm đầy bất ngờ cho nước Đức, nhưng là theo chiều hướng ngược lại.

Sau ba nhiệm kỳ liên tục làm Thủ tướng, Thủ tướng Angela Merkel đang gặp phải những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.

Nước Đức một năm nhìn lại - 0

Bức tranh kinh tế

Năm 2017, Đức duy trì sự thịnh vượng với thế mạnh về khoa học, công nghệ và tiềm năng con người. Berlin tiếp tục là đầu tàu ở EU và được người dân các nước khác ngưỡng mộ.

Trong năm nay, sức ép của vấn đề tỵ nạn đối với Chính phủ năm 2017 giảm đi rất nhiều so với 2016, khi nhiều biện pháp của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, dưới thời bà Merkel, kinh tế Đức liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Ngân khố quốc gia luôn dư dả, trong khi lạm phát giảm. Thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ sau thống nhất (1990) đến nay.

Những điều này tưởng chừng phải là điểm cộng đối với Chính phủ của bà Merkel. Tuy nhiên, mọi chuyện lại rất khác, khi trên thực tế, vẫn còn nhiều mảng tối màu trong bức tranh kinh tế Đức.

Sau 27 năm thống nhất, khoảng cách phát triển giữa Đông - Tây đã thu hẹp, nhưng còn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Đại đa số các công ty, tập đoàn kinh tế, các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu đều tập trung ở phía Tây.

Điều này tác động không nhỏ trong việc khiến nguồn nhân lực từ phía Đông tràn sang Tây, đẩy các bang phía Đông vào “vũng trũng” phát triển. Nhiều địa phương hẻo lánh ở Đông Đức rơi vào cảnh đìu hiu, bị lãng quên, còn người dân cảm tưởng họ là những hành khách lỡ chuyến con tàu thống nhất năm nào.

Thực trạng này đã khiến người dân nơi đây mất lòng tin vào Chính phủ và các đảng cầm quyền. Những “cử tri bất mãn” (Protestwähler) đặt hy vọng vào đảng cực hữu “Giải pháp cho nước Đức” (AfD), không hẳn là vì đồng tình với các chính sách của đảng này, mà chủ yếu để tỏ thái độ bất mãn đối với giới cầm quyền hiện nay.

Năm 2017 cũng chứng kiến những vụ sa thải lao động hàng loạt vào dịp cuối năm.

Tập đoàn khổng lồ Siemens dự tính đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất ở Đức và cho thôi việc gần 10.000 lao động trên toàn thế giới, trong đó có tới 1/10 là tại Berlin.

Air Berlin, hãng hàng không lớn thứ hai của Đức phá sản, đẩy gần 9.000 lao động vào tình trạng bấp bênh.

Hãng xe hơi khổng lồ Volkswagen thì dính scandal khí thải, buộc nhiều thành viên ban lãnh đạo phải vào vòng lao lý hay từ chức.

Đáng chú ý, họ vẫn nhận được khoản tiền bồi thường nhiều triệu Euro, còn người lao động phải chịu nhiều thiệt hại.

Bên cạnh đó, phiên tòa xét xử cha con ông chủ của thương hiệu “Schlecker” nổi tiếng một thời trong lĩnh vực bán lẻ đồ mỹ phẩm cho thấy những góc khuất của giới chủ.

Lãnh đạo nhiều tập đoàn đã chuyển hết tiền của Công ty vào tài khoản riêng của gia đình trước khi tuyên bố phá sản và đẩy hàng chục nghìn nhân viên ra đường.

Tình trạng các cơ sở dưỡng lão, các bệnh viện thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng điều dưỡng viên, hộ lý cũng đẩy Thủ tướng Merkel vào tình trạng bất lợi trong quá trình tranh cử, khi nhiều người cho rằng Chính phủ đã không quan tâm và tìm kiếm hướng giải quyết vấn đề này.

Sóng gió chính trường

Về chính trị, dù vẫn là người chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel cùng với “đảng chị em”, Đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) đã không thể giành đủ số phiếu để thành lập Chính phủ của mình. Một số chuyên gia nhận định kết quả này là do dư âm của cuộc khủng hoảng tỵ nạn từ năm 2015, hoặc sự không hài lòng với nhiều chính sách xã hội của Thủ tướng Merkel.

Tuy nhiên, nhiều người Đức tin rằng các đảng hiện đang trong liên minh Chính phủ hoặc mong muốn tham gia Chính phủ đều giống nhau.

Bản thân bà Merkel cũng bị cho là “dân chủ xã hội” hơn cả Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hay Đảng Xanh cũng không còn “xanh” như xưa mà gần hơn với CDU. Giữa SPD và Đảng Cánh tả có vẻ cũng không còn nhiều khoảng cách... Do đó, dù chính đảng nào nắm quyền thì nước Đức cũng sẽ không có gì đột phá.

Bên cạnh đó, việc đàm phán lập Chính phủ “Liên minh Jamaica” giữa CDU/CSU, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại vừa qua, trong khi SPD tuyên bố rời liên minh Chính phủ hiện thời với bà Merkel ngay trong ngày công bố kết quả bầu cử để chuyển sang đối lập, cho thấy một tình trạng mới của nền chính trị Đức.

Đó có thể gọi là “rã đám về chính trị”, “không muốn cầm quyền” và mất lòng tin giữa những người cầm cân nẩy mực của các đảng này.

Chính vì thế nên hiện nay, CDU/CSU lại quay về tìm kiếm liên minh với SPD để duy trì Chính phủ “Đại liên minh” (GroKo) trước đó. Tổng thống Frank Walter Steinmeier kêu gọi các đảng chính trị hãy giữ lời hứa với cử tri khi tranh cử và nhận trách nhiệm trước cử tri về việc Đức cần phải có một Chính phủ ổn định.

Nước Đức một năm nhìn lại - 1Một góc tòa nhà Quốc hội Đức

Hiện người ta cũng chưa biết khi nào Đức mới lập được Chính phủ mới. Đảng CDU/CSU và bà Merkel không muốn một Chính phủ thiểu số hay bầu cử lại.

Họ muốn duy trì Chính phủ liên minh với SPD vì đó là “phương án dễ chịu” nhất, bảo đảm đa số bền vững trong Quốc hội.

Nhưng bản thân SPD còn khá lưỡng lự vì ngay từ đầu, họ đã chọn con đường đối lập và đa số đảng viên cũng không muốn duy trì GroKo.

Đoàn Thanh niên của SPD tại đại hội mới đây còn tuyên bố sẽ là “thành trì” chống lại GroKo.

Điều này là dễ hiểu vì nếu duy trì GroKo, họ mãi mãi sẽ vẫn “dưới cơ” bà Merkel và CDU/CSU, thậm chí là đánh mất sự ủng hộ của cử tri.

Những xu hướng mới

Hiện tượng đáng lo ngại năm qua ở Đức là sự thắng thế của xu hướng thiên hữu và cực hữu qua kết quả vang dội của AfD trong bầu cử địa phương và Liên bang.

Tại một số địa phương vùng Đông Đức, đảng này đạt đến 25% số phiếu và trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất như ở bang Sachsen, nơi vốn được coi là thành trì của CDU từ nhiều năm qua.

Giờ đây, AfD có chân trong hầu hết các nghị viện bang và lấn át Đảng Xanh, Đảng Cánh tả hay FDP tại Quốc hội Liên bang.

Nếu SPD đồng ý tham gia Chính phủ, AfD sẽ trở thành lực lượng đối lập chính và có thể chi phối nhiều đạo luật, quyết sách của đất nước. Bài học lịch sử về con đường tới quyền lực của Đảng Quốc xã (NSDAP) vẫn còn đó.

Bởi vậy, một nước Đức ngả theo xu hướng cực hữu hẳn khiến nhiều người quan ngại.

“Câu chuyện thế hệ” của các đảng chính trị Đức cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Tại các nước láng giềng như Pháp hay Áo, lực lượng trẻ đã đủ lớn mạnh để sẵn sàng cầm quyền.

Nhưng ở Đức, các “lão làng” vẫn đang thay nhau cầm trịch. Sau gần 20 năm là Chủ tịch Đảng và 12 năm làm Thủ tướng, bà Merkel (64 tuổi) vẫn tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo của mình trong ít nhất là 4 năm nữa.

Chủ tịch mới của SPD, ông Martin Schulz cũng bước sang tuổi 62.

Chủ tịch đảng đoàn AfD tại Quốc hội Liên bang, người vừa được bầu làm Đồng Chủ tịch đảng, ông Gauland đã 76. Ngay cả những người “trẻ tuổi” như Chủ tịch Đảng Xanh Cem Özdemir cũng đã qua tuổi 50.

Chỉ có duy nhất Chủ tịch FDP Lindner là dưới 40. Nhưng theo thông lệ ở Đức, lãnh đạo những đảng nhỏ này không có cơ hội trở thành Thủ tướng.

Trong kỷ nguyên khoa học công nghệ 4.0 đòi hỏi sự năng động, các chính đảng cần những thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi. Vậy nên tuy còn dè dặt, nhưng không ít người trong CDU cũng đã nghĩ về một thời kỳ “hậu Merkel” năm 2021.

Nguyễn Hữu Tráng

(từ Berlin, CHLB Đức)

Nguồn: Thế giới &Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC