Foto: Công nhân làm việc tại một Nhà máy ở Herten, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nền kinh tế suy giảm và lãi suất ngân hàng cao là nguyên nhân chính khiến nhiều công ty Đức rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán kể từ những tháng cuối năm 2023.
Ngày 12/1, Cơ quan Thống kê Đức cho biết số đơn xin phá sản trong tháng 12/2023 tăng 12,3% so với cùng năm 2022.
Theo cơ quan trên, tỷ lệ đơn xin phá sản tăng hai con số đã được theo dõi chặt chẽ kể từ tháng 6/2023. Trong tháng 11, mức tăng này là 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, số công ty mất khả năng thanh toán tăng 24,1% lên 14.751 công ty. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế (IWH) tại Halle, ông Steffen Mueller nói: “Chúng tôi dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới."
Trước đó, Công ty Tư vấn Falkensteg thậm chí còn dự báo số doanh nghiệp phá sản ở Đức sẽ tăng 30% trong năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Jonas Eckhardt cảnh báo tác động của các cuộc khủng hoảng trong năm 2023 sẽ trở nên rõ nét hơn trong năm 2024, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành như bán lẻ, thời trang, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và xây dựng.
Doanh nghiệp ở một số ngành khác như dịch vụ ăn uống, cung cấp phụ tùng ôtô, cơ khí... cũng đối mặt với nguy cơ cao bị phá sản. Trong lĩnh vực xây dựng, năm 2023 cũng là năm hết sức khó khăn khi số vụ phá sản tăng cao.
Tuy nhiên, các công ty tài chính bất động sản cảnh báo rằng năm 2024 mới là năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản.
Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm thời trang, đồng thời các doanh nghiệp cũng phải gánh chịu chi phí cao hơn./.
(TTXVN/Vietnam+)