Cuộc khủng hoảng liên quan tới Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Đức, khi ông này được cho là bên vực hành động bài ngoại và cực đoan của phe cực hữu.
Chính phủ liên minh tại Đức của nữ Thủ tướng Angela Merkel đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng mới liên quan đến một lãnh đạo Cơ quan tình báo nước này.
Thủ tướng Angela Merke (giữa) đối mặt với khủng hoảng mới liên quan Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Hans-Georg Maassen (trái). Ảnh: Getty
Ngày 13/9, đảng Dân chủ-xã hội - SPD ra yêu cầu chính phủ Đức cần phải cách chức ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Đức, với lí do ông này có các mối quan hệ mờ ám với đảng cực hữu “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” - AfD.
Nguyên nhân sâu xa của vụ việc xuất phát từ một video được làn truyền trên mạng tại Đức cách đây vài ngày về một nhóm các thành viên cực hữu tại Đức tấn công người nước ngoài trong các vụ biểu tình bài ngoại gây rúng động tại thành phố Chemnitz ở miền Đông nước Đức vào tuần trước.
Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn đầu tuần này trên tờ Bild, ông Maassen, người đứng đầu Cơ quan tình báo Đức, nhận định rằng “các video này là giả mạo nhằm đánh lạc hướng dư luận”.
Nhận định trên của ông Maassen đã gây ra sự giận dữ trong công chúng Đức bởi cảnh sát bang Sachsen sau đó xác nhận trong các vụ biểu tình tại Chemnitz, đã có hàng trăm kẻ cực hữu, phát xít mới đeo mặt nạ đe doạ và tấn công người nước ngoài.
Vì thế, phát biểu của ông Maassen bị cho là bênh vực cho hành động bài ngoại và cực đoan của các các đảng cực hữu, đặc biệt là đảng AfD. Ông này còn bị cáo buộc là đã chuyển nhiều thông tin nhạy cảm khác cho AfD.
Đó là lí do đảng Dân chủ xã hội SPD yêu cầu ông Maassen phải từ chức và Thủ tướng Angela Merkel phải có hành động cụ thể. Tuy nhiên, mâu thuẫn nảy sinh khi các lãnh đạo đảng Xã hội Cơ đốc giáo - CSU trong chính phủ liên minh lại đứng ra bảo vệ ông Maassen. Ông Horst Seehofer, thủ lĩnh CSU và là Bộ trưởng Nội vụ Đức tuyên bố ủng hộ ông Maassen.
Mâu thuẫn này giữa hai đảng trong liên minh là SPD và CSU đặt bà Merkel vào tình thế khó xử bởi theo luật của Đức, chỉ có Bộ trưởng Nội vụ Đức có quyền cách chức người đứng đầu Cơ quan tình báo. Tuy nhiên, đảng SPD cũng đe doạ sẽ có các hành động cứng rắn nếu chính phủ Đức không có phản ứng phù hợp.
Nguồn: Quang Dũng/VOV-Paris