Một trong những vấn đề làm khối Liên minh châu Âu "nguy kịch" là an ninh, chống khủng bố và quốc phòng khi đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu EU mới đây nhóm họp tại Slovakia để thảo luận biện pháp lấy lại niềm tin sau khi người Anh bỏ phiếu rời khối này.

Tại đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã liên hệ tới tình trạng châu Âu hiện đang rất "nguy kịch".

“Chúng ta cần các giải pháp cho châu Âu; chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Các bạn không thể giải quyết tất cả các vấn đề của châu Âu trong một hội nghị thượng đỉnh được. Điều chúng ta phải làm là thể hiện bằng hành động rằng chúng ta có thể làm tốt hơn trong lĩnh vực an ninh, chống khủng bố và quốc phòng”, Thủ tướng Đức nói.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Dù chúng ta đi theo hướng tàn phai, tan rã hoặc chúng ta cùng nhau làm việc để tạo động lượng mới, chúng ta cũng phải khởi động lại dự án châu Âu”.

Thủ tướng Đức:Nội bộ EU nguy kịch, rủi ro hợp tác Thổ? - 0

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức họp báo chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava. Ảnh: BBC

Tại cuộc thảo luận, cách EU xử lý vấn đề dòng người nhập cư là một trong những điểm gây tranh cãi nhất tại các nước thành viên. Thủ tướng Slovakia Robert Fico nằm trong nhóm các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu phản đối hệ thống quota của khối.

Hệ thống này phân bổ 160.000 người tị nạn cho các nước thành viên EU. Kế hoạch phân bổ người tị nạn đến từ Iraq, Syria và Eritrea nhằm giảm bớt gánh nặng cho Ý và Hy Lạp. Ông Fico nói rằng, Slovakia sẽ không chấp nhận bất kỳ người di cư Hồi giáo nào.

Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn kêu gọi đình chỉ, thậm chí loại bỏ tư cách thành viên EU của Hungary vì vi phạm các giá trị cơ bản của khối, trong đó có việc chính phủ Hungary đối xử lạnh lùng với người tị nạn.

Đối với Pháp, ưu tiên của họ là an ninh biên giới trong bối cảnh Pháp gần đây hứng chịu nhiều vụ tấn công do các đối tượng Hồi giáo cực đoan thực hiện.

Pháp và Đức đã vạch ra kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa kêu gọi thành lập tổng hành dinh quân sự châu Âu.

Trong khi đó, Viện Kinh tế thế giới (IFW) cho rằng, Đức sẽ phải chi khoảng 20 tỷ euro cho người tị nạn  trong năm 2016.

Khoản chi này được tính toán dựa trên thực tế Đức đã chi 9,2 tỷ euro trong nửa đầu năm 2016 và chưa tính tới kịch bản số lượng người tị nạn tăng lên trong những tháng tới.

Thủ tướng Slovenia Miro Cerar đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện một làn sóng tị nạn mới vào châu Âu. Ông Miro Cerar cho rằng, Slovenia khó có thể giải quyết làn sóng người di cư mới tiềm tàng dù quốc gia này đã từng kiểm soát thành công dòng người di cư trước đó.

Ông Cerar cũng cảnh báo về hiệu ứng domino sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế và ngành du lịch của tất cả các quốc gia có liên quan.

EU mới đây cũng công bố thông qua Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cung cấp 384 triệu euro nhân đạo cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là một phần trong thỏa thuận hợp tác giữa EU và Ankara về việc ngăn chặn người di cư đổ vào Hy Lạp.

Thủ tướng Đức:Nội bộ EU nguy kịch, rủi ro hợp tác Thổ? - 1

Dòng người di cư vẫn là điều khiến EU nhân nhượng Thổ Nhĩ Kỳ dù chẳng mang lại kết quả. Ảnh biếm họa: Typepad.com

 

Những cách giải quyết của châu Âu đối với vấn đề dòng người di cư là một trong những thử thách to lớn. Hiện nay, châu Âu vẫn phải xem chừng các chính sách của họ với Thổ Nhĩ Kỳ- cánh cổng của dòng người tị nạn nhằm đảm bảo  kiểm soát vấn đề khó nhằn này. Đặc biệt, dòng người tị nạn cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng khủng bố xâm nhập vào châu Âu.

Buông tay Thổ, thử quay lại với Nga?

Những mâu thuẫn trong nội tại EU về cách giải quyết thông qua thương thảo có điều kiện với Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ không mang lại hiệu quả.

Trong khi, cần nhắc lại, Nga cũng từng có lần đề xuất các biện pháp trừng phạt diệt khủng bố sau khi một loạt vụ tấn công nhằm vào các nước thành viên EU.

Hôm 15/7, vài ngày sau vụ tấn công thảm sát bằng xe tải làm ít nhất 84 người chết ở Thành phố Nice, Pháp xảy ra, Nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng viện Nga, cho rằng vụ tấn công cho thấy các nước phương Tây cần phải bắt đầu quan hệ gần gũi hơn với Nga và các đơn vị đặc nhiệm của nước này để chống lại mối đe dọa chung từ khủng bố.

"Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác muốn kiểm soát thế giới bằng nỗi sợ hãi vẫn có thể ngóc đầu dậy vì thế giới đã không tìm ra cơ hội để đoàn kết và cùng đối phó với mối đe dọa này", ông Kosachev nói.

Chủ tịch Ủy ban An ninh Duma Quốc gia Nga Irina Yarovaya cũng nhấn mạnh rằng Nga đã nhiều lần đề xuất các nước cùng nỗ lực đánh bại chủ nghĩa khủng bố, và sẽ tiếp tục ủng hộ điều này.

"Thế giới phải chấm dứt thói đạo đức giả và hành động quyết liệt, dứt khoát. Cuộc chiến chống khủng bố phải dựa trên luật quốc tế cũng như luật pháp quốc gia", bà Yarovaya khẳng định.

Phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Duma Quốc gia Nga Roman Khudyakov tin rằng vụ tấn công ở Nice có thể ngăn chặn được nếu nhà chức trách Pháp chấp nhận đề xuất của Nga cùng chung sức chống lại chủ nghĩa khủng bố.

"Mọi thứ có thể đã được ngăn chặn nếu họ hợp tác với các cơ quan đặc biệt của chúng tôi, nếu họ chấp nhận đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin cùng hợp lực chống lại IS", ông Khudyakov nhấn mạnh.

Có lẽ, sau một thời gian dài bất lực trước các mối nguy hiểm tới từ dòng người di cư, châu Âu nên xem lại các chính sách khiến chia rẽ nội bộ này của mình.

Theo Đông Phong
Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC