Gia đình của Anne Frank bị phát xít Đức phát hiện và chuyển đến trại tập trung vào mùa hè năm 1944 có thể chỉ do tình cờ, chứ không phải vì bị chỉ điểm.
Nhật ký của Anne Frank được dịch ra nhiều thứ tiếng và có số lượng phát hành lớn nhất thế giới - Foto: REUTER
Đó là kết quả của nghiên cứu vừa được Bảo tàng Anne Frank ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan) công bố.
Anne Frank sinh năm 1929 trong một gia đình gốc Do Thái ở thành phố Frankfurt của Đức. Từ năm 1933, gia đình của cô chuyển sang Amsterdam để tránh sự bức hại của phát xít Đức.
Tháng 7.1942, họ phải chuyển vào sống trong căn hộ bí mật được ngụy trang bằng một thư viện ở tầng áp mái của tòa nhà số 263, đường Prinsengracht.
Hơn 2 năm sau, vào tháng 8.1944, gia đình Frank bị phát hiện và bị đưa vào trại tập trung.
Tại đây, Anne Frank bị bệnh và qua đời vào đầu năm 1945, khi chưa tròn 16 tuổi.
Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, cả gia đình của cô chỉ còn người cha Otto Frank sống sót.
Ông phát hiện nhật ký của con gái và cho in. Đây là một trong những ấn phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và có số lượng phát hành lớn nhất thế giới (tựa của bản tiếng Việt là Nhật ký Anne Frank).
Hầu hết các tài liệu vẫn cho rằng gia đình của Anne Frank bị phát hiện là do có người điện thoại chỉ điểm.
Nhiều “nghi phạm” đã được đề cập, từ “người bán hàng ở tầng trệt”, “vợ của một đồng nghiệp” đến “chị của một trợ lý”, nhưng đến nay vẫn chưa thể khẳng định được kẻ chỉ điểm thật sự là ai.
Theo nghiên cứu của Bảo tàng Anne Frank, nhiều khả năng khu nhà có căn hộ bí mật bị khám xét vì có người sống ở những tầng khác liên quan đến việc buôn bán trái phép tem phiếu.
Do đó, lực lượng phát xít chỉ phát hiện gia đình Frank một cách tình cờ.
Các lý do được đưa ra là: thời điểm đó rất ít người có điện thoại; việc lục soát diễn ra trong nhiều giờ, nếu có chỉ điểm thì không cần tốn thời gian như vậy; có ít nhất 2 người ở cùng tòa nhà bị bắt vì một vụ việc liên quan đến tem phiếu.
Theo The Huffington Post/ Thanh niên