Hơn 10 tỷ euro là số tiền mà Trung Quốc đã bỏ ra để thâu tóm 58 công ty Đức trong năm 2016, một con số kỷ lục!
Con số bất thường
Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định can thiệp để ngăn chặn vụ Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund - FGC) mua lại công ty điện tử Aixtron của Đức với giá 670 triệu euro, do lo ngại những công nghệ bán dẫn của Aixtron sẽ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự.
Đây mới là lần thứ ba trong khoảng một phần tư thế kỷ qua, Mỹ quyết định ra tay ngăn chặn một vụ mua bán - sáp nhập giữa các công ty nước ngoài.
Đây cũng là lần thứ hai Mỹ tìm cách ngăn chặn FGC mua Aixtron, có chi nhánh tại California với khoảng 100 nhân viên và kiếm được khoảng 22% doanh thu từ thị trường Mỹ, sau lần đầu tiên vào tháng 10/2016.
Sự việc này khiến cả giới chính trị lẫn kinh tế càng chú ý hơn đến các vụ nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp Đức, vốn đã diễn ra trong nhiều năm qua và thực sự bùng nổ trong năm 2016.
Theo thống kê của công ty kiểm toán Ernst & Young, trong năm 2015 các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ ra 475 triệu euro để mua 39 doanh nghiệp Đức thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã chi ra tới hơn 9 tỷ euro để mua 37 doanh nghiệp Đức.
Số liệu của Thomson Reuters cho thấy, tính cả năm 2016, Trung Quốc mua tổng cộng 58 doanh nghiệp Đức với tổng số tiền trên 10 tỷ euro.
Trong khi từ năm 2000 đến 2014, Trung Quốc "chỉ" bỏ ra hơn 7 tỷ euro để thâu tóm các doanh nghiệp Đức.
Mặc dù số liệu còn khác nhau song với khoảng hơn 10 tỷ euro và gần 60 doanh nghiệp mà Trung Quốc đã mua ở Đức trong năm 2016, thì đây rõ ràng là những con số cao bất thường.
Mua, mua và mua
Ở Đức, Trung Quốc mua tất cả những gì có thể mua, từ những doanh nghiệp đang ở bên bờ vực phá sản đến những doanh nghiệp ăn nên làm ra, những doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán và đặc biệt, những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như chế tạo máy, sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ, thiết bị tự động...
17 trong số 37 doanh nghiệp Đức mà phía Trung Quốc mua trong nửa đầu năm 2016 hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và 4 trong lĩnh vực y tế.
"Đức có nhiều mục tiêu thú vị.
Sự quan tâm không chỉ tập trung vào các công ty công nghệ và kỹ thuật, mà bây giờ Trung Quốc cũng mua cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác như bệnh viện, nhà điều dưỡng, dược phẩm và công nghệ sinh học", bà Yi Sun -Trưởng bộ phận mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Trung Quốc - Đức của công ty Kiểm toán Ernst & Young- chia sẻ.
Người Trung Quốc đánh giá cao các doanh nghiệp Đức, bởi Đức là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, hàng hóa "Made in Germany" có thương hiệu tốt trên toàn thế giới, lao động ở Đức chất lượng cao, được đào tạo tốt và kỷ luật, số lượng các vụ đình công không nhiều.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Đức thường dẫn đầu trong công tác nghiên cứu khoa học và đưa kết quả vào ứng dụng thực tế, nắm giữ nhiều bằng sáng chế.
Về quy mô, hiện tại người Trung Quốc chưa thể "sờ" vào nhóm DAX Konzern, tức những doanh nghiệp lớn, hàng đầu của Đức. Thế nên, họ tập trung chủ yếu vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô khoảng từ 200 đến 500 lao động, công ty kiểm toán KPMG cho biết. Về chiến lược, người Trung Quốc mua dần cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát, sau đó tung tiền ra mua đứt các công ty của Đức.
Vì sao Trung Quốc mua ồ ạt?
Bản thân các nhà đầu tư ở Đức cũng muốn bán bớtcác doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên họ chủ động tìm kiếm các đối tác Trung Quốc, thay vì thông qua quá trình phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) vốn không mấy chắc chắn.
Hơn nữa, nhà đầu tư Trung Quốc thường trả giá cao, ví dụ như tập đoàn điện tử Midia của Trung Quốc đưa ra mức giá 4,2 tỷ euro khiến các cổ đông công ty Kuka chuyên sản xuất robot của Đức khó lòng từ chối.
Bản thân các công ty Trung Quốc cũng được chính phủ khuyến khích và hỗ trợ các thủ tục để dễ dàng đầu tư ra nước ngoài.
Sau khi mua các công ty của Đức, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn giữ nguyên mọi thứ, từ địa điểm đến nhân sự.
Trung Quốc giữ lại bộ máy quản lý có từ trước và các công nhân lành nghề, và thậm chí tạo thêm việc làm thông qua việc mở thêm các công ty con để hình thành nên mạng lưới các công ty phụ trợ.
Vì thế, hiện tại bang Nordrhein-Westfalen ở miền Tây nước Đức đã có hơn 900 doanh nghiệp Trung quốc đặt nhà máy sản xuất, đầu tư và trở thành nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất tại châu Âu.
"Các nhà đầu tư Trung Quốc đang chuẩn bị tham gia vào các công ty rất lớn và nổi bật của châu Âu", bà Yi Sun nhận định.
"Các công ty Trung Quốc đã trở thành một nhóm người mua quan trọng trên thị trường quốc tế - bây giờ họ cũng đang ngày càng tham gia sâu hơn vào các giao dịch lớn và trả hàng tỷ euro cho các công ty châu Âu".
Tăng trưởng ở Trung Quốc hiện đã chậm lại, buộc các công ty nước này phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới, thoát khỏi việc sản xuất hàng hóa giá rẻ, hướng đến các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Con đường ngắn nhất là mua lại các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp Đức.
Trong nửa đầu năm 2016, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Đức, chỉ sau Mỹ (mua lại 64 doanh nghiệp) và Thụy Sĩ (mua lại 45 doanh nghiệp).
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược "Made in China 2025", thay thế hình ảnh Trung Quốc là "công xưởng của thế giới" -nơi sản xuất hàng hóa rẻ tiền- bằng hình ảnh của những nhà sản xuất công nghệ cao.
Các doanh nghiệp Đức có quá nhiều "tiêu chí hấp dẫn" để các nhà đầu tư Trung Quốc vung tiền mua.
Trong những năm qua, số lượng các triệu phú hay tỷ phú USD ở Trung Quốc tăng mạnh, và những người này có nhu cầu tìm một nơi đầu tư an toàn hơn, do lo ngại một ngày nào đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm hoặc bản thân họ trở thành nạn nhân của những chiến dịch chống tham nhũng hay thanh trừng.
Do đó, dòng vốn tư bản từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài tăng mạnh, và Đức là điểm đến hàng đầu ở châu Âu.
Những lo ngại
Không phải nhà đầu tư Trung Quốc nào cũng rủng rỉnh túi tiền và sẵn sàng thanh toán sòng phẳng.
Tháng 6/2016, một doanh nghiệp Trung Quốc đã mua sân bay Hahn thuộc bang Rheinland-Pfalz, cách sân bay quốc tế Frankfurt khoảng 120 km, vốn là sân bay quân sự với giá không tiết lộ.
Song sau khi hợp đồng được ký kết, tiền lại không được bên mua chuyển đúng thời hạn.
Để rồi, ông Randolf Stich, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ bang Rheinland-Pfalz phải đích thân lặn lội sang Thượng Hải để gặp đối tác, nhưng không tìm thấy.
Cuối cùng, vụ mua bán đổ bể, khi phía Đức đã bị đối tác Trung Quốc mê hoặc, không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc và khả năng tài chính.
Nền kinh tế Đức đang vận hành đúng nghĩa theo cơ chế thị trường, và có sự lo ngại rằng, các nhà đầu tư của Trung Quốc được sự hậu thuẫn của nhà nước sẽ phá vỡ quy luật, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trung Quốc cũng bị cho là có mục đích tìm kiếm những công nghệ cao, và trong một số khả năng, là để sử dụng vào mục đích quân sự.
Nhìn chung tại Đức, giới kinh tế có vẻ ủng hộ đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Đức, ngược lại giới chính trị thì tỏ ra dè dặt.
Các chính trị gia ở Đức lo sợ rằng, bằng việc tung tiền mua lại các doanh nghiệp Đức, Trung Quốc sẽ dần dần tạo ra sự ảnh hưởng về kinh tế.
Đó là bàn đạp giúp Trung Quốc gây sức ép lên những vấn đề khác, như đòi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hay công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường...
Những vụ mua bán đình đám của Trung Quốc tại Đức:
Không tính đến vụ mua công ty điện tử Aixtron thất bại, Trung Quốc đã chinh phục thành công nhiều công ty lớn của Đức.
Trong đó có Kuka AG chuyên sản xuất robot, Osram chuyên sản xuất thiết bị điện, Putzmeister chuyên sản xuất máy trộn bê-tông, EEW sản xuất năng lượng từ chất thải, ngân hàng tư nhân Hauck&Aufhäusen...
Theo Phạm Văn Thắng
Trưởng CQTT TTXVN tại Berlin, CHLB Đức