Hôm 04.08.2017, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhắc lại yêu cầu một nhân viên tình báo trong sứ quán Việt Nam phải rời khỏi Đức vì cho rằng người này dính líu đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, được Reuters trích dẫn, nói với báo giới :
Chúng tôi không khẩn nài nhân viên này ra đi mà đúng ra là chúng tôi yêu cầu người này ra đi, bởi vì chúng tôi rất tin rằng đương sự đã dính líu đến vụ bắt cóc.
Vẫn theo lãnh đạo ngoại giao Đức, không có gì phủ nhận giả định này mà ngược lại, tất cả các yếu tố đều cho thấy nhân viên nói trên, cùng với sự trợ giúp của mật vụ Việt Nam, tranh thủ cơ hội làm việc trong sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đang xin tị nạn.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel trong một cuộc họp hàng tuần của chính phủ, Berlin, ngày 02/08/2017REUTERS
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên là một cán bộ lãnh đạo trong ngành dầu khí, sống tại Berlin từ mùa hè 2016 và bị chính quyền Việt Nam truy nã về tội tham nhũng.
Hai giả thuyết trái ngược nhau về việc ông Thanh rời khỏi Đức và về nước. Chính quyền Berlin cho rằng đương sự bị bắt cóc, còn Hà Nội thì nói ông tự hồi hương và ra đầu thú, thậm chí truyền hình Việt Nam còn chiếu cảnh ông Thanh nói về việc ra đầu thú.
Ngoại trưởng Đức Gabriel nhấn mạnh : Ông Trịnh Xuân Thanh
bị đưa ra khỏi Đức theo các cách thức mà người ta thường thấy trong các phim trinh thám về thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Đó là điều mà chúng tôi không bao giờ chấp nhận.
Cách nay hai hôm, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức đã bày tỏ sự phẫn nộ về hành động bắt cóc và yêu cầu Việt Nam cho ông Thanh quay trở lại Đức để các thủ tục dẫn độ, trục xuất được xem xét theo đúng pháp luật.
Theo một văn bản của bộ Ngoại Giao Đức, bên lề cuộc gặp giữa thủ tướng Đức và Việt Nam, nhân thượng đỉnh G20 ở Hamburg, hồi đầu tháng Bẩy, chính quyền Việt Nam đã đề nghị dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh.
Nguồn: RFI Tiếng Việt