10 triệu viên Tamiflu hết hạn:Tiêu cực lớn nhất ngành yKết luận của Thanh tra Chính phủ về 10 triệu viên thuốc Tamiflu hết hạn sử dụng và hàng triệu USD mà 4 công ty dược phải trả lại ngân sách nhà nước được xem là vụ tiêu cực lớn nhất của ngành y tế trong 65 năm qua. Đó là nhận định của Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang.

Thanh tra CP vừa có kết luận thanh tra về những sai phạm trong việc “mua thuốc tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir Phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1”. Theo kết luận của thanh tra Chính phủ, sự việc diễn ra vào thời điểm cuối năm 2005, đầu 2006, khi dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát. Ngày 9/11/2005, Bộ Y tế và Công ty Roche - nhà nghiên cứu và phát triển thuốc Tamiflu, đã ký thỏa thuận về việc sản xuất thuốc điều trị cúm có hoạt chất Oseltamivir tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận này, công ty Roche sẽ cung cấp nguyên liệu và một số tài liệu kỹ thuật để hỗ trợ sản xuất viên nang có hoạt chất Oseltamivirr tại Việt Nam, với báo giá là gần 9.000 USD/kg. Đồng thời, Roche cũng cam kết giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc điều trị và dự phòng cúm trong trường hợp đại dịch xảy ra ở Việt Nam. Tuy vậy, với lý do là Roche chỉ cung cấp nguyên liệu từ tháng 8/2006, mà Việt Nam cần dự trữ trước 30/6/2006 nên thay vì nhập nguyên liệu của Roche với hạn dùng 10 năm, phía Bộ Y tế Việt Nam đã giao 4 công ty (Công ty Dược và Vật tư - Y tế Phú Yên, Công ty cổ phần dược Cửu Long, Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam) tham gia đóng viên Oseltamivir 75mg tại Việt Nam tìm nguồn nguyên liệu khác.

Song, nguyên liệu của 4 công ty này mua chỉ có hạn dùng 3 năm và giá lại đắt gấp đôi: 17.500-18.000 USD/kg. Nâng tổng giá trị nguyên liệu là 27.180.000 USD. Nếu đại dịch diễn ra, nguồn thuốc này có thể cứu được 3 triệu người. Nhưng dự báo đó đã không chính xác, và hơn 10 triệu viên thuốc được sản xuất ra đã hết hạn sử dụng.

Đồng thời, kết luận của thanh tra CP cũng yêu cầu 3 công ty là Công ty Dược và Vật tư - Y tế Phú Yên, Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam phải nộp lại ngân sách 2,8 triệu USD; Công ty cổ phần dược Cửu Long phải giải trình số tiền 3,8 triệu USD không thanh toán cho bên bán cũng không được nêu trong báo cáo tài chính.


“Đây là sự việc được đánh giá là “tai tiếng” nhất của ngành y tế trong 65 năm qua” – Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Y tế nhận định.

10 triệu viên Tamiflu hết hạn:Tiêu cực lớn nhất ngành y_0
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Y tế


- Thưa ông, Bộ Y tế có ý kiến như thế nào về kết quả điều tra đó của Thanh tra CP?

Sự việc này đã diễn ra vào cuối năm 2005- 2006 khi bà Trần Thị Trung Chiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Đó là thời điểm dịch cúm A/H5N1 bắt đầu bùng phát. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, độc lực học của con virus này khá nguy hiểm có thể thành đại dịch, nguy hiểm đến sức khỏe người dân nếu không có biện pháp phòng chống.

Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế tham mưu về vấn đề y tế, chuẩn bị các phương án phòng chống dịch, mua thuốc Tamiflu để mang tính chất dự phòng ngay khi dịch xảy ra. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ tử vong từ loại virus có độc lực cao này. 

Cách đây vài tháng, Chính phủ có yêu cầu Thanh tra chính phủ (TTCP) vào cuộc để làm rõ nhiều “vấn đề” có liên quan đến thuốc Tamiflu. Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo các cá nhân, đơn vị có liên quan phải tích cực phối hợp với thanh tra, cung cấp các thông tin trung thực, chính xác để có kết luận chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ cũng rất băn khoăn bởi khi Chính phủ chưa có ý kiến về kết luận của Thanh tra CP thì báo chí đã đăng tải hết rồi. Bản thân tôi đây còn chưa được đọc bản chính mà chỉ biết khi đọc… báo.

- Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các cá nhân, đơn vị có liên quan phối hợp cung cấp thông tin. Đó là những cá nhân, đơn vị nào, thưa ông?

Đó là Cục quản lý Dược, Vụ Kế hoạch tài chính… và bốn doanh nghiệp gồm Công ty Dược và Vật tư - Y tế Phú Yên, Công ty cổ phần dược Cửu Long, Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam.

- Bộ có đồng tình với kết luận đó của TTCP không?

Bộ Y tế tôn trọng kết luận của TTCP. Những kết luận đó đều có đủ bằng chứng, cơ sở khoa học đầy đủ…Với những sai phạm này, việc có thể bị xử lý hình sự. Tôi cũng xin nói thêm, đây là vụ việc “tiêu cực” lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện trong ngành y tế. 

- Tại sao sau 5 năm, sự việc trên mới bị phát hiện? Và tại sao không phải là các đơn vị thanh tra trong Bộ phát hiện ra? Phải chăng Bộ đã “tinh giản” những việc mình cần phải làm trong những năm qua?

Bạn biết đấy, vụ việc Vinashin xảy ra từ năm 2007 nhưng bốn năm sau mới bị phát giác. Ở vụ Tamiflu này, tôi cũng không ngạc nhiên về thời điểm xảy ra chuyện này. Bản thân Công ty dược phẩm Imexphamrm vẫn được phong tặng “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2006”. 

- Có ý kiến cho rằng, Bộ đã “thổi phồng” mức độ của đại dịch lên để các công ty nhập khẩu thuốc có động cơ để làm ẩu?


Hơn 30 năm công tác, tôi khẳng định: Bộ không thổi phồng như dư luận nói. Virus cúm A/H5N1 có độc tính cao, Việt Nam cũng không thể biết hậu quả như thế nào nếu không có biện pháp dự phòng khi xảy ra đại dịch. 

- Ông nói sao nếu như Bộ Y tế có nhiều liên đới khi xảy ra vụ việc này bởi vì “nếu đèn không xanh thì xe sẽ không chạy”?

Theo quy định của pháp luật, nếu xảy ra sai phạm, người nào trực tiếp gây ra thì phải chịu trách nhiệm. Bản thân cơ quan cấp trên cũng bị liên đới nếu không kịp thời phát hiện và ngăn ngừa hành vi sai phạm đó. Ngoài ra, chúng tôi sẽ làm rõ có hay không mối quan hệ “ruột rà” giữa bốn công ty này với những cán bộ của Bộ Y tế để dẫn đến việc chỉ định thầu này.

- Thưa ông, xảy ra vụ việc tiêu cực lớn nhất từ trước đến nay, Bộ Y tế nhận thấy, đây là bài học xương máu như thế nào?

Đây là bài học đắt giá đối với Bộ y tế trong việc quản lý tài chính, đấu thầu, chỉ định thầu. Bộ sẽ kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh, không phân biệt người đó ở cương vị lãnh đạo nào.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC