Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt quy hoạch thủ đô, trong đó sẽ "giải thoát" cho 800 dự án đang bị dừng vì Hà Nội mở rộng và hơn 200 dự án nhà cao tầng. Đây là nguồn cung mạnh mẽ cho thị trường BĐS Hà Nội trong thời gian tới, góp phần làm giảm nhiệt cho thị trường này.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở hiện Việt Nam có khoảng hơn 85 triệu dân, trong đó Hà Nội có hơn 7 triệu người và TP HCM là hơn 8 triệu người. So với tiêu chuẩn thành phố có hơn 3 triệu dân được gọi là mật độ dân cư đông thì Hà Nội đang có tốc độ phát triển dân số rất lớn. Do vậy nhu cầu về nhà ở cũng sẽ tăng cao.
Hiện nay, tổng quỹ nhà ở là 1,6 tỷ, trong đó 1/3 là xây mới từ năm 2000. Số hộ gia đình ở căn hộ rộng từ 60m² trở lên chiếm trên 50% (trung bình 15m2/người). Đây là tín hiệu khả quan vì mục tiêu này được đặt ra cho năm 2015 nhưng đến nay đã đạt được. Tuy nhiên, một nửa số hộ gia đình còn lại vẫn đang phải sống trong cảnh chật hẹp (dưới 15m²/người), cá biệt có tới 2,5% dân đang phải sống dưới 5m²/người. Điều này chứng tỏ có sự phân hóa rất lớn và nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất nhiều.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: thời gian tới, Thủ tướng sẽ phê duyệt quy hoạch thủ đô, trong đó sẽ "giải thoát" cho 800 dự án đang bị dừng vì Hà Nội mở rộng và hơn 200 dự án nhà cao tầng. Đây sẽ là nguồn cung mạnh mẽ cho thị trường BĐS Hà Nội trong thời gian tới, góp phần làm giảm nhiệt cho thị trường này.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cần phải đẩy mạnh lượng cung đồng thời phải định hướng được cho doanh nghiệp, nhận thức được đúng đắn và đầy đủ hơn về loại hàng hóa có tính phức tạp này và dần dần đưa tới sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn, làm minh bạch và trong sáng hơn thị trường bất động sản.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh cần phải minh bạch hóa thông tin và tin rằng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc. Giải pháp lớn tạo điều kiện thị trường bất động sản phát triển lành mạnh là phải tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Công bố công khai quy hoạch được duyệt; xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể tổ chức triển khai thực hiện; Xây dựng cơ chế chính sách tài chính cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, thành phố cần có cơ chế công tác phát triển quỹ đất, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất “sạch” sẵn có để kêu gọi đầu tư và điều tiết thị trường khi cần thiết. Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Để bình ổn thị trường bất động sản, đưa việc chuyển nhượng đất đai đúng pháp luật, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là tại các khu vực đang xem xét quy hoạch, theo ông Nguyễn Khắc Thọ, trong thời gian tới Sở Xây dựng Hà Nội sẽ đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác quy hoạch Thủ đô, tổ chức thông tin tới toàn xã hội về lộ trình hình thành, triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng để người dân nắm bắt được thông tin.
Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị UBND thành phố ban hành cơ chế khuyến khích các giao dịch chính thức đi đôi với chế tài đủ mạnh để hạn chế các giao dịch “ngầm” thông qua việc giảm thuế chuyển dịch bất động sản, giảm phí xác định sở hữu bất động sản nhằm khuyến khích các chủ thể tham gia giao dịch chính thức.
Theo VnMedia.