Cứ mỗi khi trời nổi cơn giông, ông bà lại lục cục với cái máy bơm để chống ngập cho nhà mình. 16 năm nay, nhà ông trở thành cái vũng nước tù của cả xóm. Tất cả chỉ vì một con đường treo… vào chính giữa nhà ông.

Năm lần bảy lượt một chữ treo! 

Ông Đặng Ngọc Vinh và vợ là bà Phan Thị Hiền ở khu phố 8, phường 1, ngay trung tâm Thị xã Đông Hà, Quảng Trị. 

Bàn tay run run lần giở đống giấy tờ, hồ sơ, ông Vinh nhớ lại “bản án” từ trên trời rơi xuống 16 năm về trước.

Năm 1989, khi Bình Trị Thiên chia tách tỉnh, ông cùng vợ con về Đông Hà định cư và mua lại đất của một người dân địa phương rồi ở đó cho đến bây giờ. Ngày 15/05/1992, mảnh đất trên được UBND thị xã Đông Hà cấp cho bà Phan Thị Hiền theo Quyết định số 164/QĐ-UB. Cầm tờ quyết định giao đất xây dựng nhà ở chưa kịp nóng tay, lòng chưa kịp mừng, ông bà đã nhận được quyết định thu hồi đất ngay sau đó không lâu. 

16 năm khốn khổ vì… một con đường “treo”
Lần hồi nhớ lại "bản án" 16 năm về trước. (Ảnh: Hoàng Táo)

Ngày 19/09/1992, UBND thị xã Đông Hà ra quyết định số 571/QĐ-UB thu hồi đất của 7 gia đình sống dọc theo đường sắt để làm đường Trần Phú. Và từ đó cho đến nay, ông bà Vinh - Hiền khốn khổ với một chữ “quy hoạch”. 

Quyết định thu hồi đất để làm đường Trần Phú được đưa ra căn cứ trên Quyết định số 634/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Trị ngày 08/05/1990, phê duyệt Đề án quy hoạch chung thị xã Đông Hà. Theo đó, về phía Tây của đường sắt đoạn ngang qua Thị xã Đông Hà sẽ xây dựng đường Trần Phú. 

Chấp hành quyết định thu hồi đất, ông bà sống trong tâm lý sẵn sàng chuyển đi, giao đất cho Nhà nước để làm đường. Thế nhưng, đường đâu chả thấy, chỉ thấy ngôi nhà ông bà đang ở ngày một xuống cấp.  

Không thể ở mãi trong ngôi nhà trên, đầu năm 2004, ông Vinh và 4 hộ dân “dính án” quy hoạch đã làm đơn xin UBND thị xã Đông Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Câu trả lời nhận được chỉ là... cái lắc đầu của UBND thị xã Đông Hà, vì khu vực trên đã có quy hoạch. 

Từ 2004 đến nay, ông bà liên tục gửi đơn thư đi các cấp có thẩm quyền để “xin xem xét, giải quyết”. Tuy nhiên, một chữ "treo" to đùng trong bản đồ quy hoạch đã khiến các cơ quan chức năng từ tỉnh cho đến thị xã đều chỉ có thể trả lời ông: “Đất đã quy hoạch đường Trần Phú”. 

“Hết chịu đựng nổi” 

Cho đến những ngày này, khi một mùa mưa mới sắp đến thì ông bà đã hết chịu đựng nổi. Một ngôi nhà ngói ba gian xập xệ, thấp lẹt đẹt so với những ngôi nhà xung quanh. Đằng sau là đường tàu cao hơn nền nhà ông Vinh 2 mét, phía trước là ngõ xóm bằng bê tông và hai bên là móng của nhà hàng xóm cũng cao hơn nhà ông 1 mét.  

Nền nhà thấp, lại không có cống thoát nước, trời mưa, nước từ trên trời đổ xuống, nước ngoài đường đổ vào, nhà ông Vinh trở thành cái vũng nước tù của cả xóm. 

Ông nói: “Cứ mỗi một mùa mưa qua đi là tui phải quét vôi lại tường nhà. Trời mưa to thì chừng 2–3 giờ đồng hồ là nước vào nền nhà. Nước vào nhà, đồ đạc trong nhà cũng theo nước mà hư hỏng qua từng năm”.

Để đối phó, ông bà phải mua máy bơm mini về để bơm nước chảy ngược trở lại ra đường. “Ban ngày thì còn đỡ, chứ ban đêm thì khổ vô chừng, tui chỉ biết đóng cầu dao điện, mưa qua đêm thì cũng bơm qua đêm. 2 cái máy bơm đã cháy rồi”.

16 năm khốn khổ vì… một con đường “treo”
Ông Vinh chỉ " con đường chạy qua giữa tim nhà". (Ảnh: Hoàng Táo)

Trong khi đó, tiền thuế đất, tiền tất cả các nghĩa vụ liên quan ông đều đóng đầy đủ. Ông bức xúc: “Xin xây nhà cũng không được, mà xin đền bù giải toả để tui tính còn đất thì xây nhà, mà không thì chuyển đi nơi khác cũng không xong”. 

Một điều tréo ngheo ở đây mà chúng tôi nhận thấy là, dù cùng nằm trong tuyến đường Trần Phú, nhưng những nhà khác đều được xây nhà cao tầng, kiên cố. Điều này càng làm cho ông Vinh tấm tức hơn. Chúng tôi được biết, trong số 7 nhà dính án uy hoạch, thì có đến 4 nhà đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (?). 

Và nghiễm nhiên, họ có quyền làm gì họ muốn trên mảnh đất quy hoạch nhưng đã được cấp sổ đỏ. 

Buồn, ông tâm sự rằng: 13 tuổi, ông đi thiếu sinh quân. Nay 77 tuổi, hơn 33 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông vẫn chưa có được một mái nhà yên ấm trên chính mảnh đất mình đã đổ máu để giành lại được. Huân chương, bằng khen, danh hiệu chiến sỹ… ông đều có cả, duy chỉ mỗi ngôi nhà là đang bị… treo. 

Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt rớm lệ, ông nhăn nhó: “Phải chăng tui không biết “chạy” mà chỉ biết kêu?”. 

Theo Hoàng Táo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC