Hôm nay và ngày mai, Tây Bắc Bộ và một số tỉnh Đông Bắc Bộ còn có mưa lớn. Riêng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội mưa giảm. Ít nhất 40 người chết trong đợt mưa được coi là bất thường nhất lịch sử.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đánh giá, trận mưa từ đêm 30/10 kéo dài đến sáng nay ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc là bất thường nhất lịch sử. Sự bất thường thể hiện ở cả thời điểm, cường độ, phạm vi và hậu quả của mưa lũ.

Theo quy luật, thường đến giữa tháng 10 là kết thúc mùa mưa lũ ở miền Bắc. Nhưng năm nay đến cuối tháng 10 lại có đợt mưa lớn, gây ngập úng và lũ lớn ở khắp các tỉnh miền Bắc. "Đó là trận mưa lũ muộn hiếm thấy trong lịch sử. Nguyên nhân có thể là biến đổi khí tượng toàn cầu, trong đó Việt Nam chịu ảnh hưởng", bà Châu nói.

40 người chết trong đợt mưa bất thường nhất lịch sử
Nước ngập tới bụng trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Faith.

Về cường độ, tại Hà Đông (Hà Nội) chỉ đêm 30/10, lượng mưa lên đến 330 mm và đến sáng nay là 817 mm, cao nhất kể từ khi quan trắc được tại đây (năm 1960). Tại nội thành Hà Nội, lượng mưa đêm 30 và ngày 31/10 tương đương với trận mưa ngày 9-10/11/1984, đều trên 500 mm.

Xét về phạm vi, nếu như trận mưa năm 1984 chỉ xảy ra ở Hà Nội trước khi hợp nhất thì lần này mưa ở hầu khắp miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Mưa lớn nhất là ở Hà Nội và các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ như Ninh Bình, Hà Nam.

Hậu quả của trận mưa lũ vừa qua lớn hơn rất nhiều trận mưa lịch sử năm 1984. Đến sáng nay toàn vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có trên 40 người chết, trong đó riêng Hà Nội là 17. Lũ các sông ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Ninh Bình đều ở mức báo động 3, mức nguy hiểm nhất.

Nguyên nhân gây mưa to, theo bà Châu, cũng rất hiếm thấy. Đợt mưa năm 1984 là do kết hợp của đới gió đông nam và hoàn lưu bão. Nhưng năm nay chỉ đới gió đông nam trên cao đã gây mưa rất to trong 3 ngày 30/10-1/11 cho miền Bắc và đến chiều qua mưa là do kết hợp với không khí lạnh.

40 người chết trong đợt mưa bất thường nhất lịch sử
Nước dâng cao đã khiến phố Phạm Ngọc Thạch biến thành sông. Nhiều nơi ngập sâu tới cả mét. Cửa kéo của nhiều cửa hàng trên phố bị nước đánh tung.

Nhìn nhận về khả năng dự báo trận mưa vừa qua, Phó giám đốc Châu nói: "Trước đó một tuần, chúng tôi đã dự báo đới gió đông nam trên cao từ miền Trung sẽ di chuyển ra miền Bắc, gây mưa to đến rất to cho miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Các hồ đập cần chuẩn bị phương án mở cửa xả, đề phòng mưa lũ lớn".

Tuy nhiên, bà Châu thừa nhận, mưa đến 300-400 mm thì rất khó dự báo. Với trận mưa vừa qua, cơ quan khí tượng dự báo mưa rất to, tức là lượng mưa khả năng vượt 100 mm.

Chuyên gia khí tượng Lưu Minh Hải cũng cho rằng khó dự báo lượng mưa lên đến 300-400 mm. "Việc dự báo phần lớn dựa trên trạm quan trắc mặt đất và một số ít trạm thám không quan trắc ở tầng cao. Đới gió đông nam ở tầng cao nên rất khó quan trắc và dự báo chính xác", ông Hải lý giải.

Về khả năng mưa lũ những ngày tới, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định hôm nay và ngày mai Tây Bắc Bộ và một số tỉnh Đông Bắc Bộ còn có mưa to đến rất to. Riêng các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, trời vẫn còn mưa, nhưng mức độ giảm dần.

Lũ sông Hoàng Long (Ninh Bình) sau khi đạt đỉnh thì sáng nay đã xuống chậm, còn 4,23 m, trên báo động 3 khoảng 20 cm. Lũ trên sông Cầu, Thương và hạ lưu sông Thái Bình đang ở mức đỉnh, báo động 2-3.

Dự báo chiều tối nay, lũ sông Hoàng Long xuống báo động 3 là 4 m; sông Cầu ở mức 6 m, trên báo động 3 là 20 cm; sông Thương 5,5 m (dưới báo động 3 là 3 cm); trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 4,5 m (ở mức báo động 2).

Theo Hồng Khánh
VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC