Tổng tuổi của ba anh em là trên 300 năm: người anh Trần Văn Nhị 104 tuổi và hai em là Trần Thị Nết 102 tuổi và Trần Thị Vung 98 tuổi.
Đó có lẽ là ba anh ruột siêu thọ và siêu khỏe nhất Việt Nam và là của hiếm của thế giới rộng lớn với 197 quốc gia và 7,49 tỉ người này...
104 tuổi còn vác bê tông
Vợ chồng anh Trần Quý Dương ở thôn Lẫm Hạ, xã La Sơn (huyện Bình Lục, Hà Nam) một buổi đi làm đồng về bỗng thấy hai tấm bê tông dựng cạnh gốc cây gần chuồng lợn tự dưng lại được kê ngay ngắn dưới lối đi.
Ngạc nhiên, họ mới dò hỏi nhau xem ai đã làm việc đó. Khi cả hai cái đầu đều lắc chung một lượt thì chị vợ mới giật mình thốt lên:
“Thôi chết, khéo ông nội bê ra đấy! Không ông thì còn ai vào đây nữa? Suốt ngày cứ luôn tay, luôn chân không chịu nghỉ ngơi gì cả!”.
Ông Nhị vần tấm bê tông một cách dễ dàng
Không ngạc nhiên sao được cho sức khỏe của một ông già năm nay đã 104 tuổi?
Ông là Trần Văn Nhị. Anh Dương cháu nội của ông, nguyên là Chủ tịch xã La Sơn, nay cũng đã nghỉ chế độ được mấy năm, khi kể với tôi chuyện vừa xảy ra 10 hôm trước vẫn còn tủm tỉm cười. Để chứng thực cho điều đó, ông Nhị đã bê, vần tấm bê tông ngay trước ống kính máy ảnh của tôi.
Tấm bê tông vuông vắn, nặng chịch, khó có chỗ để bám víu khiến hai người cháu còn bê một cách rất vất vả thì dưới tay của ông cứ “ngoan ngoãn” như không, lăn vần đúng chỗ đã được định sẵn. Tôi đặt chúng lên bàn cân, mỗi tấm nặng đúng 37 kg.
Không chỉ lần đầu làm việc nặng mà cối đá rồi tảng đá kê chân cột nhà ông Nhị cũng vẫn vần ra để làm gạch lát đường như thường.
Mấy năm nay lúc nào ông cũng tha thẩn đi quanh xóm, nhà nào có gạch, đá cũ không dùng lại xin từng bao tải về để tự mình xếp chúng thành con đường, một lối chạy ra cánh đồng, một lối lên khu mộ tổ, tổng chiều dài có lẽ khoảng hơn 100m.
Tấm bê tông hai người cháu bê khệ nệ
Ông yêu con đường đó đến mức hễ thấy một viên đá, hòn gạch nào hơi lồi ra lại bậy lên, dùng dao nạo nạo, gọt gọt đất ở bên dưới rồi kê lại cho thật phẳng, thật nhẵn. Tôi nhẩn nha men theo con đường kỳ lạ đó.
Hai bên là hàng rào bằng cây găng xanh mướt mát. Một cụ già quần nâu, áo gụ thong dong cất những bước đi của tiên ông, đạo cốt. Thời gian như chợt xoay chiều, quay lại vài ba thế kỷ…
Ông Nhị bên con đường mình tự lát gạch đá
Đi bộ vài vòng trái đất
Ông sang sảng đọc cho tôi bài thơ dài hơn 3 trang mà không cần dừng lại một lần để lấy sức.
Bài thơ viết lên từ máu huyết của một người con tận hiếu với người mẹ lắm khổ đau của mình:
“Vì sao tóc mẹ bạc phơ. Vì sao chân chậm, mắt mờ, tay run. Mẹ sinh ra bảy người con. Cho nên mẹ sớm héo hon tuổi già. Bảy lần thai nghén xót xa. Bảy lần xé ruột sinh ra bảy người…”.
Không kể một người em bị tai nạn chết khi hãy còn non, ba người anh em mất khi đã 90-97 tuổi, giờ còn lại người anh Trần Văn Nhị 104 tuổi và hai em là Trần Thị Nết 102 tuổi và Trần Thị Vung 98 tuổi.
Ông tuổi Giáp Dần, sinh ra ở xứ “Bình Lục đồng trắng, nước trong. Thóc gạo thì ít, rêu rong thì nhiều” thủa niên thiếu ông từng cơ cực đến nỗi củ khoai, củ ráy không đủ no phải ngửa tay đi ăn mày khắp thiên hạ.
Quê ông, một năm chỉ cấy được một vụ, những tháng còn lại nước ngập trắng đồng, trắng làng, từ đi lại đến dẫn cưới hay đưa ma đều phải ngồi trên thuyền hết.
Là một người biết chữ đầu tiên của xã nên ông Nhị được bầu làm Chủ tịch hội bảo trợ học đường thời trước, chuyên đi vận động dân xây trường, góp gạo nuôi thầy. Hết làm khuyến học ông lại chuyển sang làm thủ quỹ tín dụng của xã.
Vì không biết đi xe đạp nên ngày nào ông cũng phải đi bộ xuyên qua 13 thôn trong La Sơn để xem ai có tiền gửi rồi lại mang lên huyện nộp.
Chứng minh thư của ông Nhị
Sáng sáng, ông bỏ một nắm cơm, một nhúm muối vừng vào bị rồi khoác lên vai. Lúc lên Phủ Lý, lúc sang Lý Nhân, lúc xuôi Nam Định, mỗi ngày ông đi không dưới 20 km, tính ra trong 30 năm làm tín dụng ông đã đi bộ cả chục vòng trái đất.
Nhờ vào cái tài vận động mà ông trở thành người đứng đầu tỉnh Hà Nam Ninh hồi đó (gồm Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình) về huy động tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng hai lần đổi tiền của thế kỷ trước, giá trị của tiền bị tuột dốc không phanh đã nện cho ông một vố đau nhớ đời.
Bao người lúc gửi là trâu, là bò mà khi rút ra không mua nổi con gà, con vịt. Ngay cả người con vì nghe lời ông mà bán đi mấy cót thóc để gửi, định bụng sau này xây nhà mà lúc nhận không đủ để mua mấy cân đinh. Buồn quá, ông mới quyết định nghỉ làm tín dụng khi ngấp nghé 80 tuổi…
Năng vận động, không rượu chè, thuốc lá nên sức khỏe của ông ít người sánh bằng.
Vợ mất năm mới 57 tuổi để lại ông bơ vơ một mình vừa nuôi đàn con vừa phụng dưỡng mẹ già mù lòa 10 năm ròng cơm bưng, nước rót trọn một chữ hiếu.
Làm người có tổ, có tông ông vẫn thường răn dạy con cháu như thế.
Tết thanh minh, dù đã hơn 100 tuổi nhưng ông vẫn tự mình gánh nước từ ao lên mộ ông, mộ bà thanh tẩy bụi trần.
Để giờ đây, với 5 thế hệ, con cháu, chắt chút khoảng 200 người rải khắp cả nước.
Nhưng mỗi dịp gặp mặt chúng vẫn thường tự hào về người cụ kị của mình đã hơn 1 thế kỷ sống đời thật thà, ngay thẳng.
Chị Lê Thị Ái từ hồi về nhà làm cháu dâu của ông đã 20 năm nay nhưng vẫn luôn khâm phục vì không thấy ông ốm hay đau đớn bao giờ. Tuy già mà ông không đổi tính, chưa làm mất lòng bất cứ một ai, chăm làm thì ít người sánh kịp.
Sáng 5 h ông đã dậy ra dọn vườn, nửa buổi nghỉ về ăn bát cháo rồi làm đến trưa nghỉ về ăn, chiều làm đến tận sẩm tối mới dừng tay. Làm xong vẫn xuống ao, hụp tắm, lặn ngụp ùm ùm. Có lúc 3 h sáng cháu dậy thăm lứa lợn mới đẻ thấy tiếng ùm ùm ở dưới ao, tưởng có người bắt trộm cá vội dọi đèn xuống thì thấy ông mình đang tắm: “Bức quá, tắm cái cho mát cháu ạ!”.
Ông ở riêng để không vướng bận con cháu, có thể tự làm lấy tất cả từ giặt quần áo đến nấu ăn nếu như con cháu không ngăn cản.
Ông có thói quen rất lạ là hảo ngọt.
Mỗi tuần đều đặn ăn hết 2 kg đường, 5 gói kẹo. Tính nghiện đường ấy nhiễm vào ông kể từ khi bị… rụng hết răng cách đây quãng 10 năm. Dù đi đâu, làm gì, bao giờ bước chân về nhà ông cũng xúc vài thìa đường cho vào miệng rồi chiêu một ngụm nước rồi hít hà lên một tiếng thật sảng khoái: “Ái chà chà!”.
Tổng tuổi của ba anh em là trên 300 năm
Trong túi của ông không mấy khi thiếu kẹo để thỉnh thoảng nhạt mồm, nhạt miệng lại ngậm một cái.
Thiếu vị ngọt là ông cảm thấy mệt mỏi nên có khi nửa đêm cũng lục tục bật đèn dậy chỉ để ngậm một cái kẹo hay xúc một vài thìa đường. Giải thích về thói quen này với tôi, ông cười lành hiền bảo bởi vì… hà tiện:
“Đường rẻ lắm, chỉ chưa đến 20.000đ/kg và lại để được lâu không bị hỏng như các thứ quà khác nên ông ăn cả tháng cũng chẳng hết bao nhiêu đâu”…
Rưng Rưng ngày hội ngộ
Ba anh em ông đều có những điểm chung khá thú vị là vợ hoặc chồng chết sớm nên phải ghé vai gánh vác tất cả các công việc nặng nhọc, khổ cực của nhà nông. Họ đều yêu lao động đến cuồng nhiệt, không một ngày chịu ngơi nghỉ. Tỉ như, bà Trần Thị Nết năm nay đã 102 tuổi nhưng vẫn đều đặn quét dọn.
Một cái lá rơi xuống sân cũng khiến cho bà khó chịu, muốn với tay cầm ngay cái chổi. Sân riêng đã đành còn ngõ chung của xóm khi bẩn bà cũng vẫn cứ cầm chổi đi mà quét.
Lúc tôi đến với mong muốn chụp một tấm hình chung của cả ba anh em siêu thọ, siêu khỏe này, bà Nết cứ tiếc rẻ: “Tôi đang quét dở cái ngõ, để quét nốt đã rồi đi nhé?”.
Cách đây trên 10 năm bà bị tai nạn vỡ cả bánh chè nên chân bây giờ đi vẫn còn tập tễnh nhưng tháng có 30 ngày thì không ngày nào thấy thiếu bóng dáng bà ra quét sân, quét ngõ. Không có việc gì để làm là người bà bứt rứt hệt như có dòi bò ở bên trong xương vậy.
Khi nhà cửa, sân vườn, ngõ xóm đã sạch bong như lau, như li rồi bà lại lấy quần áo của chắt nội ra giặt giúp vì: “Thương nó quá, đi làm suốt ngày thì lấy đâu ra thời gian mà giặt quần áo?”. Mỗi khi làm xong được một việc gì bà vui hệt như thủa mới được hợp tác xã giao khoán ruộng cho vậy.
Là út ít trong nhà, bà Trần Thị Vung năm nay 98 tuổi vẫn còn cào chạy thóc khi trời đổ mưa, vẫn còn cho lợn gà ăn khi chúng kêu réo vì đói ở trong chuồng.
Nhà có mảnh vườn ở phía đông làng, dù bị con cháu cấm ngặt nhưng cứ hở ra cái là bà dắt trộm cái liềm vào quần rồi trốn ra làm cỏ cho bằng sạch mới thôi. Những lúc không còn thóc để mà xúc, không còn cỏ để mà rẫy, rảnh rỗi chân tay bà lại trông 5 đứa chắt nội, xúc cơm cho chúng ăn hay cõng đi chơi.
Bà Vung 98 tuổi vẫn còn bế chắt
Tiếng là ở khá gần nhau, cùng xã hoặc cùng huyện đấy nhưng vì con cháu bận công việc không thể chở đi nên dễ mấy năm trời ba anh em không được giáp mặt nhau.
Cuộc trùng phùng bất ngờ do tôi bố trí được thực hiện ở nhà bà Vung. Vừa mới thấy bóng người anh là hai bà đã lập cập chạy ra, ôm chầm lấy, cuống quýt kêu:
“Ối giời ơi, em nhớ anh quá! Em sang đây nhìn thấy anh khỏe thế này mà sung sướng, mà phấn khởi quá…”
Họ vẫn ngọt ngào với nhau như thủa nào ấu thơ còn đánh đáo, chơi chuyền, chơi ô ăn quan cách đây trên 90 năm vậy.
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Báo Nông Nghiệp