Đất nước đang trên đà phát triển hội nhập, cuộc sống người dân ngày một khấm khá, vì vậy, cái Tết cổ truyền đối với mỗi người cũng bớt háo hức hơn xưa.

 

Bâng khuâng hoài niệm Tết thời gian khó - 0

Trong ký ức của người dân Việt Nam từng trải qua những thời kỳ khốn khó của đất nước thời chiến tranh, cái Tết xưa vẫn vẹn nguyên và đầy ắp cảm xúc, với bao kỷ niệm thiêng liêng. 

Sinh ra tại vùng quê quan họ Bắc Ninh nên ký ức về những ngày Tết tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Minh Phương là những cái Tết của sự thiếu thốn và mộc mạc.

Với chị, Tết thời thơ ấu trong những năm đất nước còn gian khó là đáng nhớ nhất.

Bâng khuâng hoài niệm Tết thời gian khó - 1

Không khí chợ hoa đào ngày xưa 

Tết xưa của tôi là tôi nhớ về tuổi thơ, về vùng quê, tuổi thơ của tôi trải qua 2 cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc và đến Tết rất mong được mặc áo mới, rồi được ăn ngon và được tham gia nấu ăn bởi vì trong năm hầu như không có cái gì để nấu thì ngày Tết được mẹ bảo làm nem hay làm một số món ăn dân tộc.

Háo hức nhất là ngồi canh nồi bánh chưng, cái cảm giác đêm 30 Tết vớt bánh chưng ra rồi khói bếp với những ngày rét chờ đợi năm mới được đi chơi nhà họ hàng và được họ hàng đến chơi, uống cốc nước trà và cảm nhận được tình thân của làng quê của mình với những lời ca quan họ giao duyên.

Đấy là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời của mình.

Đói, rét, chiến tranh. Tết xưa thiếu thốn là vậy. Nhưng với mỗi người dân Việt Nam thời ấy, ai cũng thấy bồi hồi, mong ngóng Tết đến.

Nhà nhà ăn Tết ngoài bánh chưng, nồi thịt kho, vại dưa hành muối, nồi canh măng còn có thêm hộp mứt, cành đào, câu đối đỏ.

Giản dị là thế nhưng ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên nhau, tự tay xát gạo nếp, rửa lá dong gói bánh; hàng xóm láng giềng chung nhau ngả lợn chuẩn bị những cái Tết đơn sơ mà ấm cúng.

"Ấn tượng lớn nhất là sáng sớm mùng 1 Tết cả nhà tập trung ăn một bữa cơm rất là ngon, đúng là cái bữa đầu tiên của năm mới, đặc biệt là không khí nó hơi lành lạnh và cả nhà ấm cúng ngồi quây quần bên mâm cơm.

Gia đình tôi ở Bắc Ninh và hay uống rượu nên trong bữa cơm đó không thể thiếu ly rượu mừng đầu xuân. Và bà ngoại tôi thường mừng tuổi những tờ tiền rất mới, những tờ 1 hào màu đỏ, 2 hào màu xanh, 5 hào màu nâu vào sáng đầu xuân.

Hai nữa, gia đình tôi cũng có truyền thống khai bút đầu xuân, ở đây là làm bài tập, bài tập toán, viết lách để mà cả năm ấy mình học giỏi", chị Nguyễn Thị Minh Phương nhớ lại.

Bâng khuâng hoài niệm Tết thời gian khó - 2

Tết xưa không thể thiếu pháo. Tiếng nổ đì đùng của pháo gợi một không khí Tết hân hoan và sôi nổi. 

Niềm vui Tết đến, Xuân về cũng vì thế mang theo cả niềm hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc ấm no.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh chia sẻ: 

“Những năm đó đời sống vật chất của người dân Việt Nam chúng ta nói chung còn khó khăn, hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình eo hẹp, chính vì thế ước mơ về ngày Tết no đủ, hân hoan ngày càng lớn. Ngày Tết nó đơn sơ nhưng lại vô cùng trong trẻo".

Một trong những nét đẹp của Tết cổ truyền xưa là vào thời khắc đầu tiên của năm mới, nhân dân cả nước được đón nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Là người con của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, vinh dự được đứng tại Hồ Gươm lắng nghe thơ chúc Tết của Người, nhà văn Lê Phương Liên cho biết, bà đã đón 66 cái Tết cả xưa lẫn nay, nhưng đối với bà cũng như bao người dân Việt Nam ở thế hệ ấy, Tết xưa mang một ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng vì được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết.

Trong không khí của Hồ Gươm lung linh, mọi người dân đứng gần lại tất cả những loa phóng thanh và lúc ấy mọi người đều đứng lặng đi và nghe tiếng nói:

"Mời đồng bào cả nước lắng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc ấy, mình nghe thấy tiếng của Bác Hồ thì cực kỳ thiêng liêng và nó đánh thức tâm trạng con người và có lẽ đặc biệt nhất là bài thơ chúc Tết năm 1968 “Tiến lên chiến thắng ắt về ta” thì câu đó tác động đến mọi người, làm cho người ta phấn khởi vô cùng và có ý thức quyết tâm rất lớn. Đối với thế hệ chúng tôi đấy là giờ phút thiêng liêng nhất và đặc biệt vinh dự".

Đất nước đang trên đà phát triển hội nhập, cuộc sống người dân ngày một khấm khá, đủ đầy, cái Tết đối với mỗi người cũng không còn tâm trạng chờ đợi, háo hức như xưa để được mặc chiếc áo mới, ăn miếng bánh chưng với thịt mỡ dưa hành.

Tuy rằng, Tết cổ truyền dân tộc vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống nhưng chúng ta cảm nhận ở đâu đó không còn được nguyên vẹn không khí hân hoan, chộn rộn như những ngày Tết xưa. 

Bâng khuâng hoài niệm Tết thời gian khó - 3

Ông ba, con cháu sum vầy cùng gói bánh chưng ngày Tết 

Trong thời kỳ giao thoa, hội nhập, ngoài Tết cổ truyền dân tộc, nước ta có thêm Tết dương lịch, vì thế không gian Tết cũng được mở rộng, Tết cổ truyền ngày nay cũng ít nhiều khác trước.

PGS-TS Phạm Xanh, giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng:

"Với ký ức của tôi, không gian của Tết xưa đó, nó chỉ gói tròn trong một làng quê bên cạnh nồi bánh chưng, bên cạnh góc đình.

Chính đó là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình với nhau và kết dính cộng đồng lại với nhau.

Ngày xưa quá khổ, quá nghèo cho nên chỉ nghĩ đến 3 ngày Tết đó để được tí bánh chưng để có được tí thịt mỡ còn bây giờ chúng ta ăn Tết hết năm cho nên đến Tết âm lịch bây giờ người ta gọi là đi chơi Tết chứ không phải ăn Tết nữa".

Năm mới đã đến, Tết lại về trong từng ngôi nhà, trên mỗi nẻo đường quê và trên từng con phố.

Đón thêm một cái Tết, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đón thêm nhiều niềm vui mới, có thêm nhiều kỷ niệm về Tết cổ truyền dân tộc.

Nhớ về Tết xưa, ta lại thầm nhủ với lòng mình phải cùng nhau giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc, để mỗi độ Tết, Xuân về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông mãi mãi được hiện hữu, phát huy trong cuộc sống đương đại.

 

Nguồn: Hồng Bắc / VOV-Ảnh: Internet

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC