Báo Diplomat: Băng qua đường là "nhiệm vụ bất khả thi", ùn tắc là hình ảnh dễ thấy và tai nạn giao thông là một "dịch bệnh bí ẩn" ở Việt Nam.

 

Vấn đề giao thông tại Việt Nam luôn là điều khiến người dân nơi đây lo ngại. Còn đối với các du khách nước ngoài, họ thường chụp lại hình ảnh các phương tiện tham giao thông khi tới Việt Nam, sau đó chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè và người thân.

Đối với người đi bộ tại Việt Nam, băng qua đường có thể trở thành một "nhiệm vụ bất khả thi".

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và lượng khách du lịch tới Việt Nam ngày càng nhiều, hệ thống đường xá và vấn đề điều tiết giao thông vẫn chưa theo kịp sự bùng nổ của các phương tiện tham gia giao thông, nhà báo Singapore Roshni Kapur viết trên Diplomat.

Báo quốc tế khiếp sợ tai nạn giao thông tại Việt Nam - 0

Người nước ngoài hoảng sợ với giao thông kinh khủng ở Việt Nam.

Ùn tắc giao thông ở Việt Nam xảy ra do có quá nhiều phương tiện tham giao giao thông, trong khi cơ sở hạ tầng bị hạn chế.

Hệ thống đường xá ở Việt Nam đã không theo kịp trước sự gia tăng dân số và số lượng phương tiện ngày càng nhiều, từ đó dẫn tới tình trạng ùn tắc tại một số khu vực ngay cả khi không phải trong giờ cao điểm.

Tại nhiều khu vực, tắc đường có thể dẫn tới ùn tắc cục bộ. Những người điều khiển xe đạp và xe máy đi lên vỉa hè của người đi bộ, trong khi nhiều người không ngại đi ngược chiều để thoát khỏi chỗ tắc.

Một hình ảnh dễ thấy ở Việt Nam là việc các phương tiện giao thông chở quá số người quy định.

Mật độ giao thông dày đặc đã dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông, hay còn được coi là "dịch bệnh bí ẩn" tại Việt Nam.

Trong khi Bộ Công an công bố số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại Việt Nam hồi năm 2010 là 11.000 người thì Bộ Y tế cho biết, thông qua số liệu thu thập được từ hệ thống các bệnh viện, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại đây lên tới 15.464 người.

Theo Diplomat, sự chênh lệch giữa hai số liệu nêu trên về số thương vong do tai nạn giao thông có thể là để "làm giảm" mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Theo ước tính, có khoảng 60% các vụ tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam xảy ra giữa người lái xe máy với người đi bộ qua đường.

Theo chuyên gia Jonathan Passmore của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 80% số mũ bảo hiểm tại Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng.

Hầu hết các loại mũ bảo hiệm đang bày bán tại Việt Nam được sản xuất với giá thành rẻ và sử dụng loại nhựa chất lượng kém, không đủ chắc chắn để bảo vệ người lái xe máy.

Trong viết đăng tải trước đó vào năm 2012, Diplomat cũng nhắc tới việc chạy xe máy quá tốc độ và điều khiển xe khi đang say rượu cũng góp phần đáng kể vào số lượng tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Tờ báo khi ấy cũng cho rằng, việc thực thi các quy định cấm dùng chất kích thích, có cồn ở Việt Nam còn hạn chế do ý thức của người dân.

Bên cạnh quy định về đội mũ bảo hiểm, Chính phủ Việt Nam cũng tìm cách giải quyết tình trạng ùn tắc bằng việc xây dựng những tuyến đường cao tốc trên cao, các loại đường vành đai và các cây cầu vượt để giải quyết vấn đề ùn tắc.

Theo các chuyên gia, những biện pháp trên thường chỉ mang lại hiêu quả trong ngắn hạn. Trong bối cảnh dân số thành thị phát triển nhanh và nhiều người đổ về các thành phố lớn để sinh sống, không sớm thì muộn các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ lại gặp khó khăn trong quá trình giải quyết tình trạng ùn tắc.

Báo quốc tế khiếp sợ tai nạn giao thông tại Việt Nam - 1

Ngoài việc ban hành những quy định mới và mạnh tay hơn nhằm giảm thiểu số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, báo Diplomat cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông được đánh giá là vấn đề chiến lược cho giải pháp dài hạn.

Có thể mất tới một thế hệ để thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, cũng như để mọi người tôn trọng và tuân thủ các quy định về giao thông.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng: "Cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công bằng: "Lỗi người dân là một phần, nhưng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc kiểm tra, xử lý...Cứ tỉnh nào mà lãnh địa phương, nhiệt tình, hăng hái với công tác này này thì chắc chắn tai nạn sẽ giảm."

Cúc Phương (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC