Batnhao1.jpg HtTrà xanh, nước hoa quả ép, nước tăng lực… những loại nước uống được quảng cáo là bổ dưỡng này xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường làm cho không ít người tiêu dùng băn khoăn không biết nên chọn loại nào.

Chỉ đến khi mua về sử dụng, nhiều người mới té ngửa rằng chất lượng của chúng kém xa so với những lời quảng cáo hoa mỹ  của các nhà cung cấp…

Nhập nhèm thành phần, công dụng…

Gọi điện tới đường dây nóng của chúng tôi, chị Nguyễn Thanh Trà ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy than thở: “Xem các chương trình quảng cáo gần đây tôi thấy có khá nhiều thông tin về các loại nước uống bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Do vậy, tôi đã tìm mua một số loại đồ uống như trà xanh, nước cốt, nước ép trái cây với hy vọng những loại nước này không chỉ có tác dụng giải khát mà còn giúp tăng cường thể lực. Tuy vậy, sau 1 lần con tôi uống nước bí đao, thấy cháu kêu đau bụng, tôi mới xem kỹ vỏ bao bì của loại nước uống này thì phát hiện các thành phần cấu tạo được ghi rất chung chung, hạn sử dụng thì nhòe nhoẹt.

Kiểm tra nhiều loại nước uống khác tôi cũng thấy tình trạng này. Qua một người bạn kinh doanh nước giải khát, tôi không khỏi giật mình khi được biết nguồn gốc các loại nước uống trên thị trường có thể do các công ty sản xuất hoặc được pha chế thủ công. Thành phần chủ yếu tạo ra chúng chỉ là hương liệu, phẩm màu và đường hóa học”.

Dạo qua thị trường, chúng tôi được biết hiện có khá nhiều loại đồ uống “nguyên chất, chiết xuất từ thiên nhiên” như nước cam ép, nước táo, bí xanh, nước dứa, nước xoài… Riêng đồ uống có nguồn gốc từ trà xanh cũng có đến hàng chục loại. Những loại nước này có  giá cả phải chăng, với đối tượng tiêu thụ chủ yếu là thanh thiếu niên. Mở một chai nước ghi bên ngoài là “cam ép nguyên chất” chúng tôi không khỏi thất vọng khi nếm thử thì thấy loại nước này ngọt lờ lợ như nước đường hóa học, vị cam không thật.

Ngoài ra còn có loại đồ uống được giới thiệu là “gia truyền”, có tác dụng chữa bệnh như nước linh chi, nước lô hội, nước yến, nhân sâm thậm chí cả nước Noni được bán với giá cao.

Theo quảng cáo, những loại nước uống này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có khả năng chữa được các bệnh mà y học hiện đại đang bó tay như ung thư, viêm cột sống. Song trên thực tế, thành phần chính cấu tạo lên những thứ nước uống này rất sơ sài, đơn giản, chiếm tỷ lệ rất thấp và không hề có tác dụng chữa bệnh… Vì lý do này mà trong thời gian qua đã có khá nhiều phản ánh liên quan đến chất lượng của các loại nước giải khát, trong đó có cả những nhãn hiệu có tên tuổi.

Chất lượng không như quảng cáo

Theo các chuyên gia y tế, một sản phẩm nước ép trái cây chỉ được coi là nguyên chất khi trong sản phẩm chỉ có một thành phần hóa học. Còn nếu gọi là nước cốt thì bắt buộc phải được chắt ra từ một loại lá, hoa, quả nào đó, không được hòa lẫn với một chất khác.

Do đó, rất nhiều loại nước giải khát được quảng cáo là “nguyên chất, nước ép, nước cốt trái cây…” đang được  bày bán  trên thị trường được sản xuất ra từ hương liệu nhân tạo, phẩm màu và đường hóa học. Bởi nếu chúng được chế biến từ nguyên liệu thật như công bố, thì chắc chắn nguồn cung cấp nguyên liệu không thể đáp ứng cùng lúc cho việc sản xuất hàng trăm ngàn lít nước mỗi ngày. Điều đáng nói là cho đến thời điểm hiện tại, chưa có công trình khoa học hay cơ quan chuyên môn nào nghiên cứu về các loại nước uống này.

Về vấn đề trên, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội phó Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Hiện chi cục đang có chương trình kiểm tra mặt hàng nước uống giải khát bổ dưỡng. Qua kiểm tra đã phát hiện được một số vi phạm như trong sản phẩm không có thành phần được ghi trên bao bì (như có loại nước trong thành phần ghi có đường kính nhưng kiểm tra thì chỉ có đường hóa học), sử dụng công bố chất lượng đã hết hạn, sử dụng hóa chất không được phép… Tùy theo số lượng hàng hóa phát hiện được, chúng tôi đã tiến hành xử phạt theo quy định. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị vi phạm”…

Trong khi chất lượng các loại nước uống trên thị trường còn chưa rõ ràng thì để đảm bảo sức khỏe cho mình, người tiêu dùng hãy thận trọng lựa chọn loại thức uống có nguồn gốc rõ ràng, và tốt nhất nên sử dụng các loại đồ uống từ các loại củ, quả tươi… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm có quy định rõ ràng hơn về vấn đề quảng cáo sản phẩm…              

Theo ANTD.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC