Nhiều người ăn xin do hoàn cảnh
Sáng 17/10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã có công văn trả lời báo Tiền Phong liên quan đến tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn, trong đó có trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM nhận định, tình trạng người ăn xin có những chuyển biến tích cực từ khi thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM về cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người ăn xin và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TPHCM.
Tuy vậy, do ảnh hưởng bởi khó khăn chung về kinh tế, nhiều người chưa có công ăn việc làm ổn định nên từ nhiều địa phương đến TPHCM xin ăn. Họ tập trung ở khu vực gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng dầu, chợ truyền thống,...
Trẻ em ngửa nón xin tiền tại TPHCM. Ảnh: Thuận Nhàn
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tiếp nhận 1.314 trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác do các tổ công tác địa phương bàn giao.
"Để đối phó lực lượng chức năng, những người ăn xin giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su,...Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong công tác xử lý", Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM khẳng định.
Về trách nhiệm trong việc xử lý tình trạng ăn xin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM khẳng định các địa phương quản lý địa bàn có nhiệm vụ phát hiện và tập trung người lang thang, xin ăn đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, các địa phương cũng có trách nhiệm chăm lo, hỗ trợ người khó khăn tìm việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM có nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần bảo vệ khẩn cấp hoặc tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Người chăn dắt ăn xin có thể bị truy cứu hình sự
Người ép buộc, sử dụng trẻ em ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp. Hành vi nghiêm trọng hơn có thể bị cứu trách nhiệm hình sự.
Khi phát hiện tình trạng ăn xin, tổ công tác ở các địa phương sẽ chia thành 3 nhóm để giải quyết.
Trường hợp người ăn xin có sức khỏe yếu, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tâm thần, hành vi quá khích, tổ công tác sẽ lập biên bản ghi nhận và đưa đến các bệnh viện thăm khám, chẩn đoán kịp thời và giữ liên lạc để hỗ trợ đối tượng trong thời gian điều trị.
Nhóm trẻ em ăn xin ngồi nghỉ trên đường Hòa Bình (quận Tân Phú). Ảnh: Thuận Nhàn
Trường hợp người ăn xin mắc bệnh truyền nhiễm, tổ công tác sẽ đưa đến khu điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) hoặc Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước) để chẩn đoán, tiếp nhận và điều trị phù hợp.
Với những trường hợp có đăng ký cư trú, tổ công tác sẽ lập biên bản nhắc nhở và bàn giao cho gia đình và đưa vào danh sách theo dõi, quản lý tại địa phương. Còn những người có đăng ký cư trú nhưng từng được nhắc nhở một lần cũng bị lập biên bản và bàn giao đến cơ sở trợ giúp xã hội được chỉ định.
Những trường hợp không đăng ký cư trú sẽ bị chuyển đến cơ sở trợ giúp xã hội. Trường hợp người ăn xin là người nước ngoài, cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hướng dẫn của Công an TPHCM.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trên theo quy định.
Trong loạt bài Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM , báo Tiền Phong phản ánh tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin diễn ra ở nhiều quận, huyện và hoạt động mạnh tại quận Bình Tân và quận Tân Phú. Các đối tượng chăn dắt là cha, mẹ của những đứa trẻ và nhóm này thường bán kèm theo vé số để né tránh khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an TPHCM, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng chăn dắt trẻ em đi xin tiền theo phản ánh báo nêu.
Theo Tiền Phong