"Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, TP sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận" - bí thư Hà Nội cho hay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định tại buổi đối thoại với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sáng 9-8.

1 Bi Thu Ha Noi Giu Nguyen On Dinh Quan Hoan Kiem

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Sáng 9-8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì đối thoại với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội các cấp nhằm lắng nghe ý kiến để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển thủ đô.

Tại buổi đối thoại, ông Phạm Chi Linh - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) - cho biết hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 35 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. 

Trong đó, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. 

Trước thực tế trên, ông Linh hỏi chủ trương, quan điểm của TP trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm?

Trả lời, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết ngày 7-8, thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. 

Theo đó TP sẽ thành lập ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Về quy định sáp nhập của trung ương, ông Dũng cho biết sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo nhưng việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị.

Vì vậy người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết TP sẽ rà soát thống kê theo tiêu chí, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập quận huyện là diện tích và dân số, đặc biệt là xem xét kỹ tiêu chí quan trọng là văn hóa, lịch sử.

Liên quan câu hỏi của đại biểu về chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của TP, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.

Hiện một số quận như quận Hoàn Kiếm đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến người dân.

2 Bi Thu Ha Noi Giu Nguyen On Dinh Quan Hoan Kiem

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa lớn của thủ đô. Trong ảnh: cầu Thê Húc bắc qua hồ Hoàn Kiếm đi vào đền Ngọc Sơn - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trước đó, tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội, quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.

Liên quan tới vấn đề này, sáng 1-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hữu Thành - phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - cho biết việc sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí tại nghị quyết số 1211 và nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, ngoài tiêu chí đảm bảo dân số và diện tích tự nhiên thì vẫn phải xét tới yếu tố đặc thù như đã ổn định từ năm 1945; liên quan tới văn hóa, lịch sử dân tộc.

Vì vậy với những quận, huyện đặc thù, vẫn còn phải nghiên cứu, xem xét.

Về thông tin quận Hoàn Kiếm nằm trong diện phải sáp nhập, ông Thành cho rằng đây chỉ đang rà soát đánh giá theo tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên nêu trong nghị quyết 35 của Quốc hội.

Ngoài ra, để quyết định sáp nhập hay không còn phải căn cứ vào điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử.

Thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập, theo ông, mới chỉ nằm ở rà soát, sau đó TP còn phải xây dựng phương án cụ thể.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC