Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, điều quan trọng hơn là hệ thống tín dụng phải vận hành tốt, minh bạch và bình đẳng để doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

 

Không nên can thiệp

Trong cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngày 3/7, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ ra thực trạng doanh nghiệp tư nhân không được vay vốn ODA và tự góp vốn đối ứng.

Vì thế, ông đề nghị lãnh đạo TP.HCM có báo cáo đề xuất Chính phủ không nhất thiết cứ phải nhà nước đứng ra vay ODA, mà nên cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam ghi nhận quyết tâm hỗ trợ để phát triển khối doanh nghiệp tư nhân của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và cho rằng có thể ông Thăng muốn tạo ra sự đột phá cho TP.HCM song vị chuyên gia cũng góp ý rằng, nền kinh tế thị trường không cần những can thiệp như vậy. Huống chi vốn vay ODA là nguồn vốn của các chính phủ cho một quốc gia vay để đầu tư công và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các nền tảng khác như giáo dục, sức khỏe... chứ không phải vốn đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bí thư Thăng nói tư nhân được vay ODA: Ý tốt nhưng... - 0

"Không thể để vốn nọ xọ vốn kia, cuối cùng là ôm đống nợ xấu. Để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chỉ cần tạo ra một sân chơi phẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau mà không cần sự can thiệp của Nhà nước.

Ở đây vấn đề quan trọng không phải là vốn, mà là vốn phát hành như thế nào. Hiện nay, nguồn vốn của hệ thống tín dụng (ngân hàng) được phát hành không bình đẳng, các doanh nghiệp không được tiếp cận bình thường với nguồn vốn ấy", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Nói thêm về tình trạng này, vị chuyên gia cho biết, lâu nay, trong hệ thống tín dụng của Việt Nam tồn tại thực trạng doanh nghiệp được vay, doanh nghiệp không được vay, nếu vay được cũng rất khó, lãi suất cao, thậm chí có thời kỳ doanh nghiệp Việt Nam phải vay với lãi suất lên đến 20%/năm...

"Bởi vậy, phải có một hệ thống tín dụng cho vốn vận hành tốt, minh bạch, bình đẳng, với lãi suất phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến nhiều vấn đề khác để doanh nghiệp tự lớn lên, tự cạnh tranh, đào thải lẫn nhau, khi ấy nền kinh tế sẽ tự cấu trúc lại, bao gồm một hệ thống doanh nghiệp trong đó có khoảng 80% là các doanh nghiệp khỏe chẳng hạn, chỉ còn lại 20% doanh nghiệp yếu kém và những doanh nghiệp ấy sẽ bị đào thải.

Còn như lâu nay, doanh nghiệp Việt cứ bị bóp cổ, bao nhiêu năm vẫn như đứa trẻ con, làm sao họ sử dụng vốn tốt được? Phải chăm lo cho doanh nghiệp như người trồng vườn chăm sóc cây, đất tốt, không khí tốt... thì cây mới lớn lên được. Đó là điều căn bản nhất.

Tôi nhớ có người hỏi: Brexit có ảnh hưởng gì tới nguồn vốn của Việt Nam?

Thực ra là không ảnh hưởng gì bởi vốn vào nước nào là do nước ấy quyết định, hệ thống kinh tế, môi trường kinh doanh của nước ấy có tốt không... Giống như nước chảy chỗ trũng, nếu môi trường kinh doanh tốt, có khả năng sinh lợi cao thì vốn tự khắc được đẩy vào. 

Trong trường hợp của các doanh nghiệp tư nhân nói trên cũng vậy, quan trọng là phải có hệ thống vốn vận hành tốt để doanh nghiệp dựa vào đó phát triển ", vị chuyên gia nói.

Nền kinh tế không cần nhiều cơ chế khác biệt

Trước câu hỏi: Trên thế giới, đã có tiền lệ doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận với nguồn vay ODA hay chưa và phương thức tiếp cận như thế nào?, PGS.TS Cao Lê cho biết, trong nguyên lý của kinh tế học không có chuyện như thế và nhắc lại bản chất của vốn vay ODA không phải để cho tư nhân vay kinh doanh mà để phát triển chung, phát triển hạ tầng. 

"Tôi cho rằng nền kinh tế không cần có nhiều cơ chế khác biệt, nếu ưu tiên người này thì người khác sẽ ra sao? Như thế không đem lại kết quả gì, chúng ta hô hào công bằng nhưng lại có ưu tiên thì không còn là công bằng nữa. Sự bất bình đẳng ấy chứa đựng sự nguy hiểm vô cùng, đó là làm mất động lực phát triển", ông nói. 

Ông cho biết, hiện nay vốn trên thế giới không ít, vấn đề không chỉ là tư nhân được tiếp cận vốn mà là họ tiếp cận thế nào, được sử dụng ra sao... Cần tổ chức hệ thống tài chính, vận hành hệ thống vốn như thế nào để phân bổ và kích thích được doanh nghiệp trong quá trình sử dụng.

PGS.TS Lê Cao Đoàn dẫn câu chuyện xảy ra tại Thụy Sĩ, một trong những nước giàu nhất thế giới hồi tháng 5 vừa qua. Theo đó, chính phủ nước này đã thảo luận về việc phát cho mỗi người dân 2.500 USD/tháng, bất chấp tình trạng công việc và tài sản. Ý tưởng này trở thành chủ đề nóng của thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS Đoàn, câu chuyện của Thụy Sĩ cho thấy tư duy của một nền kinh tế đã phát triển đến trình độ mà họ có thể dàn xếp cho những bộ phận kém hiệu quả ngồi không hưởng lương, tránh gây phiền phức, vất vả đến những người khỏe mạnh, có năng lực đang làm ăn bình thường.

Điều này trái với các nước đang phát triển, cứ lấy cái nọ bù cái kia, trong khi thực tế cho thấy những người đã yếu dẫu có hỗ trợ cũng không lên được. Như thế, nền kinh tế luôn luôn bao gồm một tỷ lệ rất lớn những người kém hiệu quả vẫn cứ tồn tại trong bộ máy.

Thành Luân
Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC