Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đánh dấu một chiến thắng mới trong chiến dịch của ông nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách ký một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng tới với mục đích kéo Hà Nội lại gần hơn với Washington ở vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.
Ông Biden sẽ ký một thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia Đông Nam Á này vào giữa tháng Chín, theo ba nguồn tin của Politico.
Thỏa thuận này sẽ cho phép hợp tác song phương mới, thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển lĩnh vực công nghệ cao trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Cả Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đều không trả lời yêu cầu bình luận của Politico.
Trong khi đó, Reuters cho hay một nguồn tin nói rằng ông Biden đang cân nhắc chuyến đi vào tháng Chín tới Việt Nam.
Ông Biden nói vào tháng này rằng ông sẽ 'sớm' thăm Việt Nam bởi vì nước này muốn nâng cấp mối quan hệ với Mỹ và rtowr thành một đối tác chính.
Nhà Trắng chưa khẳng định kế hoạch chuyến thăm, theo Reuters. Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters hôm thứ Bảy 19/8.
Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng không khẳng định cũng không phủ nhận khả năng chuyến thăm của ông Biden.
Theo Politico, thỏa thuận đối tác chiến lược Mỹ-Việt bổ sung vào một chuỗi các sáng kiến ngoại giao thành công của ông Biden nhằm mục đích tái khẳng định ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á trước sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Các sáng kiến này gồm một hội nghị thượng đỉnh Camp David lịch sử vào thứ Sáu với ông Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol - nhằm giải quyết các mối đe dọa trong khu vực từ Bắc Hàn và Trung Quốc.
Thỏa thuận với Việt Nam được ký trùng với thời điểm căng thẳng trên Biển Đông giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang gia tăng. Việt Nam - cùng với Philippines, Malaysia và Brunei - từ lâu đã phản đối các khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở hầu hết Biển Đông.
Hà Nội cấm chiếu phim Barbie vào tháng trước do có một cảnh có vẻ mô tả đường chín đoạn mà Bắc Kinh nói là đánh dấu chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh vào tuần trước cho thấy Bắc Kinh đang xây một sân bay trên đảo Tri Tôn - nơi Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của nước mình.
Nhưng thỏa thuận này không nhất thiết báo hiệu rằng Việt Nam đang rời xa nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc để ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, theo Politico.
Thỏa thuận này sẽ đánh dấu một sự nâng cấp trong quan hệ Mỹ-Việt từ thỏa thuận Đối tác Toàn diện do cựu Tổng thống Barack Obama ký năm 2013 vốn đã thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực như y tế công cộng, hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam và các hoạt động phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Nó cũng phản ánh Mỹ đã bắt kịp mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam với Trung Quốc và Nga như thế nào, theo Politico.
Nguồn: BBC+