Cách Tết Nguyên đán 2024 một tuần, nhiều người buôn hàng Trung Quốc vẫn nhận được hàng về tay dù mới chỉ đặt mua cách đây khoảng 7 ngày. Năm nay, tình trạng biên giới thông thoáng, không tắc biên, khiến những người bán hàng Trung Quốc thuận lợi và có mức doanh thu vượt ngoài kỳ vọng.
So với năm ngoái, năm nay, những người chuyên gom hàng Trung Quốc bán hàng muộn hơn khá nhiều.
Thùy Dung (Hà Nội) dự kiến nghỉ vào ngày 28 Tết, muộn hơn năm ngoái 10 ngày. Dung nói mặt hàng chủ yếu của cô là bánh kẹo và đồ trang trí cây đào, cây quất. Khi khách hàng đặt, cô vẫn mua hàng qua các ứng dụng như Taobao, 1688 (hệ sinh thái Alibaba) và chờ khoảng 1 tuần để hàng về. Những ngày cận Tết, thời gian hàng về không bị lâu hơn.
"Thật sự rất vui, thấy hàng về nhanh còn hơn cả vận chuyển trong nước. Những ngày này, các đơn hàng vận chuyển Hà Nội - TPHCM đã bị ngưng nhưng hàng Trung Quốc vẫn về đều", Dung kể.
Ngoài ra, những ngày này, nhiều khách hàng tranh thủ đặt mua những món cần sử dụng cho thời gian sau Tết. Bởi Trung Quốc nghỉ lễ tương đối lâu, thường bắt đầu làm trở lại sau ngày 15 tháng Giêng, do đó, Dung khuyên khách hàng nên đặt sớm để có thể nhận hàng sớm.
Đồng quan điểm với Thùy Dung, Linh Chi - chủ cửa hàng đồ gia dụng (Bắc Ninh) cho biết thời gian này mọi năm, đa phần người buôn hàng như "ngồi trên đống lửa" bởi tình trạng lưu kho, xếp xe và vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam tương đối lâu. Nếu như những ngày thường, thời gian vận chuyển thường dao động 7-10 ngày, thì dịp cận Tết, thời gian này tăng lên khá nhiều và khó dự đoán trước.
Tuy nhiên năm nay, tới gần Tết, các xe hàng vẫn về đúng như dự kiến, không chậm hơn so với ngày thường.
Mọi năm, tình hình xe hàng Trung - Việt gặp nhiều khó khăn ở khu vực biên giới (Ảnh: LĐO).
Dung Nguyễn - chủ kho vận chuyển Trung - Việt - cho biết người buôn hàng Trung Quốc năm nay phấn khởi vì tình hình xếp xe hàng ở biên giới không căng thẳng như mọi năm. Hầu hết xe đều về đúng dự kiến, chỉ khoảng 7 đến 8 ngày. Do vậy, người buôn hàng không bị đọng vốn quá lâu, có thể trả hàng cho khách theo kế hoạch.
"Nhiều người nói rằng nếu năm nào cũng thế này thì bánh chưng có thịt", Dung Nguyễn kể.
Dung nói thêm năm nay, tại kho hàng của cô, chuyến xe dự kiến cuối cùng từ Trung Quốc về Việt Nam là khoảng ngày 30/1 (20 tháng Chạp). Xe sẽ về tới Hà Nội vào ngày 23 tháng Chạp. Khi các xe hàng không gặp tình trạng tắc biên, đồng nghĩa với việc lượng hàng về nhiều và đều hơn, người buôn hàng có thể trả hàng kịp Tết để thu hồi vốn.
"Nếu năm nào cũng như thế này thì buôn hàng Trung Quốc quá nhàn, được bán tới gần Tết, doanh thu tăng khá nhiều", Dung nói.
Khi hàng Trung Quốc về đều đặn, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn khi sắm Tết. Những năm gần đây, xu hướng sử dụng bánh kẹo nội địa Trung Quốc để mời khách ngày càng trở nên phổ biến. Bánh kẹo Trung Quốc được nhận xét có hình thức bắt mắt, nhiều hương vị mới lạ, hạn sử dụng tương đối dài (trên 6 tháng) và giá cả phải chăng so với bánh kẹo nhập khẩu Nga, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Ngoài bánh kẹo, việc vận chuyển Trung - Việt suôn sẻ, mang lại nhiều lợi ích cho những người kinh doanh thời trang. Từ trước đến nay, quần áo, giày dép Trung Quốc vẫn là lựa chọn được nhiều chị em ưu tiên bởi giá cả vừa phải, đa dạng mẫu mã và thiết kế phù hợp với người Việt.
Do vậy, dịp cận Tết, nhiều người vẫn chấp nhận chờ đợi, đặt hàng Trung Quốc thay vì mua quần áo có sẵn ở các hãng trong nước vì giá cao hơn khá nhiều.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí