Sách Lịch sử Việt Nam gọi đích danh chiến tranh biên giới phía Bắc là "một cuộc chiến tranh xâm lược". Không có từ "nguỵ quân, nguỵ quyền".
Ngày 18/8, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành các bộ sách trọng tâm về lịch sử, văn hoá, biển đảo.
Đồ sộ và gây chú ý nhất là bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn, trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ.
PGS Cường cho biết, bộ sách đã nói rõ nhiều vấn đề lịch sử còn "khoảng trống".
Chiến tranh biên giới phía Bắc là "một cuộc chiến tranh xâm lược"
Trong tập 14, từ trang 351 đến 359 viết rõ về "quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc".
Bìa cuốn sách Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Dân trí
Nội dung tóm lược từ mối quan hệ Việt - Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979. Bộ sử đã gọi đích danh đó là "một cuộc chiến tranh xâm lược" trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh.
Số liệu được đề cập rõ ràng gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân quân Việt Nam tiêu diệt...
5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 - 50km.
Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".
(Trích Lịch sử Việt Nam, tập 14, trang 355)
Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam
Về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, ông Cường cho biết nội dung đề cập đến sau năm 1975, khi Việt Nam thống nhất đất nước thì tập đoàn Pol Pot đánh sang.
Quân đội Việt Nam đã chiến đấu bảo vệ biên giới đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, cử quân tình nguyện sang giúp Campuchia đánh tan quân diệt chủng, giải phóng đất nước chùa tháp và sau đó lại bàn giao lại cho họ. Điều đó rất rõ ràng.
"Chúng tôi gọi rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30 km, 50 km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?", ông nói.
Có một điều nữa, cuộc chiến tranh ấy không chỉ gói gọn trong khoảng tháng 2/1979 mà kéo dài. Cán bộ chiến sĩ Việt Nam còn phải hy sinh nhiều xương máu để đến đầu thập niên 90 mới có hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc.
Việt Nam Cộng hoà trong các bộ sử
PGS Cường cho rằng, vấn đề Việt Nam Cộng hoà trong các bộ sử tới sẽ phải nêu rõ hơn, khi đây là một thực thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam gần 21 năm.
Có một sự gối nhau khi năm 1954 có thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam.
Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm truất Bảo Đại để làm quốc trưởng, rồi trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống...
Thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền.
Nhưng trong bộ sách gọi trung tính hơn là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn". Theo ông Cường, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận.
Cũng theo ông Cường, bộ sử mới này có nhiều điểm mới.
Thứ nhất, tuy vẫn khẳng định văn hóa Việt Nam, nhà nước Việt Nam hình thành sớm song đất nước Việt Nam đã được nhìn nhận trên cơ sở của 3 vương quốc cổ đại đã từng tồn tại.
“Đó là văn hóa Đông Sơn với vương quốc Âu Lạc. Văn hóa Sa Huỳnh mà biểu hiện của nó là sự hình thành và phát triển của vương quốc Chămpa. Văn hóa Óc Eo với sự phát triển của vương quốc Phù Nam.
Chúng ta tránh được điều trước đó nhiều nhà sử học mắc phải là viết về lịch sử VN nhưng thực tế là lịch sử của người Việt, của vương quốc Âu Lạc”, ông Cường nói.
Điểm mới thứ hai là các quan điểm mới trong đánh giá các vương triều, trong đó có nhà Nguyễn, nhà Mạc…
Chẳng hạn, với vương triều Mạc, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận đó là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử Việt Nam. Vương triều này đã giúp giải quyết được các vấn đề khủng hoảng kinh tế xã hội thời Lê.
Hay triều Nguyễn cũng được nhìn nhận với cả những thành tựu lẫn sai lầm. Họ có công lớn lao là thống nhất đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia.
Nhưng họ cũng không chấp nhận cải cách khiến đất nước chúng ta lạc hậu đi, vì thế, khi đối diện với cuộc xâm chiếm với thế lực tư bản lúc bấy giờ thì họ để đất nước rơi vào tay ngoại bang.
“Đánh giá nhà Nguyễn như thế là rõ ràng. Cái gì ưu điểm thì nói rõ. Đánh giá khách quan hơn so với trước đây. Bộ sử này bước đầu đã nêu được những điều đó”, PGS Cường nói.
Theo: Báo Đất Việt