Người đi ôtô, người đi xe đạp, thậm chí, có bác xe ôm chở một bao quần áo vận động được từ xóm trọ đến trụ sở Trung ương hội và rụt rè nói "tôi muốn gửi đến đồng bào miền Trung 200.000 đồng nữa".
Cơ quan Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam những ngày này khá đông đúc bởi người người nối tiếp nhau đến ủng hộ tiền, đồ gia dụng, quần áo. Tầng một của cơ quan vốn là nơi đỗ xe của nhân viên nay cũng chất đầy những bao, thùng quần áo, mì tôm. Lối đi cũng được trưng dụng làm nơi phân loại đồ đạc.
Ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam nói: "Có những lúc tiếp nhận hàng cứu trợ của người dân cho đồng bào miền Trung, tôi đã rớt nước mắt". Ông cho biết, cách đây vài ngày, một bác xe ôm chở đến trụ sở một hộp tivi to đựng đầy quần áo. Gương mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió, bác cho biết, đây là tất cả những đồ bác đã quyên góp được từ xóm trọ, muốn nhờ Hội gửi đến đồng bào. Ôm thùng hàng vào trong, ông Thái tưởng bác quay đi nhưng người xe ôm ấy đã dựng xe ở góc sân và rụt rè nói: "Tôi không có nhiều, nhưng cũng muốn gửi thêm cho đồng bào miền Trung thêm 200.000 đồng nữa".
"Tôi thực sự xúc động bởi 200.000 đồng đối với ai đó không lớn, nhưng với một người xe ôm thì đó là vài ngày lao động vất vả. Tấm lòng ấy thật đáng trân trọng", ông Thái chia sẻ.
Câu chuyện về cháu bé chừng 10 tuổi đem tiền đi ủng hộ có lẽ ông Thái sẽ chẳng bao giờ quên. Hôm đó chừng 19 giờ nhưng trời mùa đông nên tối và rét. Cửa cơ quan Trung ương hội đã đóng. Từ phòng làm việc của mình, ông Thái nhìn thấy một cháu gái nhỏ cứ thập thò ngoài cổng. Em liếc mắt nhìn xung quanh cơ quan và đưa tay ra vẫy. Thấy lạ, ông xuống mở cổng cho em gái và hỏi "cháu có chuyện gì muốn nói phải không?".
Cô bé lôi trong túi quần ra một tờ 20.000 đồng và nói: "Cháu muốn ủng hộ các bạn miền Trung số tiền này. Đây là tiền ăn sáng cháu tiết kiệm trong vòng một tuần qua, mong các bạn sớm được đến trường".
"Thú thật, nghe câu nói của đứa bé mới khoảng 10 tuổi, tôi không khỏi nghẹn ngào. Tôi đã kể chuyện này cho các con tôi và dặn con, đó chính là đạo đức", ông Thái nói.
Cũng có những người chở cả một xe gạo, mỳ tôm đến ủng hộ. Thời gian mà họ đến thường là đêm khuya hoặc sáng sớm, vì khi đó xe tải không bị cấm vào nội thành. Hoặc có những gia đình cả bố mẹ, con cái đều đem đồ đến góp. Bố mẹ chuyển gạo, quần áo, con gửi sách vở, bút thước. Những ông bố, bà mẹ ấy chia sẻ rằng, muốn các con đến đây để biết được rằng sống ở trên đời cần biết yêu thương và sẻ chia như nhân dân ta đang làm với đồng bào miền Trung ruột thịt.
Phân loại xong, quần áo được cho vào bao cẩn thận. |
Là thành viên của đội tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo thành phố Hà Nội, Đỗ Văn Hùng, sinh viên Đại học bách khoa cho biết, nhóm em có trên 10 người, đang tình nguyện cùng đoàn thanh niên cơ quan Trung ương hội phân loại, đóng gói quần áo cứu trợ để gửi vào miền Trung. Hùng cho biết, sau khi nhận hàng của người dân hay của các phường gửi đến, cả nhóm lại đổ ra, kiểm tra từng bộ xem còn dùng được không.
"Chúng em bỏ hết những món đồ đã quá cũ, rách nát hoặc những bộ váy diêm dúa vì biết chắc rằng nó không phù hợp với người dân lao động. Những đồ dùng được thì bọn em gấp gọn gàng, xếp vào bao mới, khâu lại và ghi rõ ràng là loại đồ dành cho người lớn hay trẻ con, tất, giày hay mũ...", Hùng nói.
Nhóm phân loại hàng cứu trợ cho biết, có nhiều thùng hàng dở ra, ai cũng vui mừng vì toàn đồ mới. Có thùng quần áo được kẹp thành bộ gọn gàng, có thùng mỗi bộ quần áo, sách vở được cho vào một túi nhựa đựng đồ rất ngăn nắp. Tuy nhiên, có những thùng đồ khiến nhóm phân loại không khỏi buồn lòng.
Sau đó, các bao sẽ được khâu lại và đề rõ chú thích loại hàng ở ngoài. |
Nguyễn Văn Nhất, sinh viên học viện Ngoại giao kể, có túi đồ bọn em giở ra thì toàn đồ phụ nữ, những thứ mà người dân không thể tái sử dụng. Hoặc có những chiếc áo da đã bong tróc nham nhở, thậm chí mục ra. Cả nhóm còn được một phen hú vía khi lôi chiếc cặp sách lên thì gián, rết từ bên trong cũng bò ra và bốc mùi hôi hám.
"Tất cả những đồ ấy chúng em đã loại ra. Ai cũng thấy buồn vì nghĩ, lỡ may túi đồ đó không kịp phân loại thì người nhận được sẽ tủi thân lắm". Nhất nghẹn ngào: "tại sao có những người đã có lòng tốt quyên góp cho đồng bào mà không tốt cho trót".
Một cán bộ Hội chữ thập đỏ phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng đưa hàng cứu trợ lên trụ sở Trung ương hội cũng chia sẻ: "Phường đã rất vất vả trong khâu phân loại, có lúc mở túi đồ ra mà cảm tưởng như mình là người vứt rác hộ họ vậy".
Theo VnExpress.