Thủ tục hành chính phải cắt các khâu trung gian đi, để người dân được tự do làm ăn, sản xuất và tồn tại, xin phép là trường hợp đặc biệt. Còn nhận phong bì thì lại liên quan đến đạo đức công chức, cải cách thủ tục hành chính phải gắn liền nâng cao phẩm giá đạo đức của người công chức.

Vẫn còn giấy phép con

Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Trên thực tế cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện từ năm 1994 với Nghị quyết 38-CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.

Đến nay chúng ta đã có 23 năm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhưng trong thời gian chúng ta ở cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường, càng cần phải cải cách nhiều hơn.

Còn những cải cách thủ tục hành chính thời gian vừa qua cũng gắn kết với các thủ tục khởi nghiệp của doanh nghiệp, cấp giấy phép rất nhiều, nhưng vẫn còn có giấy phép con.

Khó khăn nhất hiện nay là các Bộ, ngành, các cơ quan nhà nước rà soát lại tất cả công việc của mình, công việc nào không cần thiết, gây khó khăn cho người dân thì gạt bớt đi.

Cải cách thủ tục hành chính: Nhiều chuyện vô cảm - 0

Thủ tục hành chính còn thiếu tính minh bạch

Ngày xưa có chuyện quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa cái gì làm cũng phải xin phép, bây giờ nên tiến tới việc không cần phải xin phép, thủ tục hành chính chỉ khi nào cần thiết mới phải xin phép để đảm bảo an ninh trật tự".

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia trên, hiện nay, cũng đã có nhiều cơ chế cải cách thủ tục được triển khai thực hiện trên thực tế như cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, một cửa liên thống hiện đại.

Cùng với đó một số địa phương đã tổ chức, trung tâm Hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung, trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư...nghĩa là chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực cả về lý luận và thực tiễn.

Tuy vậy, số lượng thủ tục hành chính vẫn còn rất lớn, tỉ lệ thủ tục chưa được chuẩn hóa vẫn còn một tỉ lệ đáng kể. Thời gian giải quyết các thủ tục vẫn còn dài, mức độ ứng dung công nghệ thông tin còn hạn chế.

Thủ tục hành chính luôn có xu hướng tăng, theo quy định hiện hành thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tuy vậy số lượng văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta rất lớn do vậy việc kiểm soát gia tăng thủ tục hành chính không dễ dàng.

Chưa công khai minh bạch các thủ tục

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy người dân, doanh nghiệp hiện còn nhiều bức xúc về sự rườm rà, phức tạp của nhiều quy định hành chính hoặc hành vi không thực hiện đúng quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước khi giải quyết công việc liên quan đến họ.

"Thứ nhất, công khai về quy trình thủ tục hành chính, thời gian xử lý hồ sơ chưa làm được. Tôi có người cháu muốn bán vật dụng gia đình, khi bán đóng thuế, chỉ cần đóng thuế thôi nhưng bị hách dịch nhiều, trong khi cơ quan hành chính đã xác nhận bán được rồi, thì cơ quan thuế còn đòi thủ tục vu vơ, thực sự là vòi vĩnh.

Trong khi đáng lẽ cần phải công khai thủ tục nào, giấy tờ nào cần đi công chứng, thì mỗi lần đến lại thêm một loại giấy tờ. Tôi nhớ, có lần thấy cụ ông 89 tuổi đi làm lý lịch, cần chứng minh thư, do đã làm từ lâu nên ảnh cũng mờ, khi nhân viên xem ảnh, so sánh với bên ngoài, kêu bảo khác nhiều, không làm được, nếu có 1 triệu đồng mới xử lý được, phản cảm, vô lý.

Thứ hai, thủ tục bảo công khai nhưng chưa công khai chi tiết, chủ thể nói công khai nhưng chưa rõ ràng, bắt dân đi nhiều lần, tài liệu vẫn là tài liệu nội bộ, tài liệu mật. Trong khi, đáng lẽ pháp luật phải cụ thể rõ ràng, công khai minh bạch, có hướng dẫn, có cán bộ tiếp dân.

Qua đây, sẽ thấy các yếu tố của thủ tục và cải cách thủ tục hành chính phải được pháp lý hóa và cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu", ông Thuận phân tích.

Không chỉ có số lượng các thủ tục còn nhiều, theo ông Thuận, một số công chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính dẫn đến việc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, cũng như việc thực hiện công tác này tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa theo đúng quy định.

Như hiện nay theo xếp hạng quốc tế, thì cải cách thủ tục hành chính của chúng ta vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan.

Đưa ra đề xuất, theo Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đầu tiên, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai.

Đồng thời, xây dựng chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn các cán bộ sử dụng công nghệ thông tin, hiện nay, còn rất nhiều cán bộ, không sử dụng thành thạo tin học văn phòng, làm thủ tục rất chậm.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.

Châu An

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC