Bảo tàng Hà Nội, một công trình được đầu tư nhiều ngàn tỉ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Để hoàn thiện nội dung chương trình trước khi trình Quốc hội thông qua, ngày 28-8 Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét quyết định lập hội đồng thẩm định báo cáo đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với nguồn kinh phí hơn 350.000 tỉ đồng (khoảng 15 tỉ USD).
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng việc lập hội đồng thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 để trình Quốc hội thông qua.
Xây thêm bảo tàng, thư viện...
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình sẽ hướng tới những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện.
Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.
Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa.
Hằng năm, có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước.
Đầu tư cho văn hóa ít nhất là 2% tổng chi ngân sách hằng năm, thực hiện tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, và các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7% GDP năm.
Về dài hạn, đến năm 2035, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc đơn vị công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Chương trình cũng đề ra mục tiêu tới năm 2035 có 5 trường đại học trọng điểm và 2 viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, văn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.
Nhiều di tích lịch sử quốc gia sẽ được tôn tạo, trong đó có di tích đền Trần, tỉnh Nam Định - Ảnh: NAM TRẦN
Dự kiến huy động ngân sách và các nguồn khác
Về nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ gồm 10 nội dung thành phần.
Đó là, phát triển văn hóa con người Việt Nam như xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới; thúc đẩy quyền, nghĩa vụ, văn hóa sống và làm việc theo pháp luật.
Phát triển thể chất, kỹ năng xã hội để phát triển con người toàn diện, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa, doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, phát triển nguồn nhân lực văn hóa.
Cũng theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 khoảng 350.000 tỉ đồng.
Trong đó, riêng giai đoạn 2025-2030 khoảng 182.000 tỉ đồng, bao gồm 110.000 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, 36.000 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương, và 36.000 tỉ đồng huy động từ các nguồn khác.
Nếu chia theo năm: 2025 khoảng 2.000 tỉ đồng, 2026 khoảng 27.000 tỉ đồng, 2027 khoảng 36.000 tỉ đồng, 2028 khoảng 36.000 tỉ đồng, 2029 khoảng 45.000 tỉ đồng, 2030 khoảng 36.000 tỉ đồng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online