Phải tiến hành kiểm tra lại quy trình từ thiết kế, thi công, giám sát để tìm ra được nguyên nhân, sau đó có hướng xử lý cụ thể.
Lựa chọn nhà thầu đúng quy trình
Nhiều ngày qua người dân Bình Thuận khá bức xúc khi cầu Máng số 3 ở xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân chưa được nghiệm thu đã gãy sập, bong tróc, trơ sắt thép, 12 mố trụ đôi đều bị sụt lún...
Cầu dẫn nước bằng bêtông dạng ống dày 30 cm, cạnh 2,2 m, dài hơn 300 m. Đây là một phần của dự án kênh dẫn nước dài hơn 15 km từ hồ thủy lợi Sông Dinh 3 về phục vụ tưới tiêu vùng hạ lưu huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.
Dự án có vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, được hoàn thành vào năm 2015 và đã cho nước về thử tải hai mùa khô vừa qua.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, một lãnh đạo Ban giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết đã yêu cầu đơn vị thi công rà soát, sửa chữa lại toàn bộ công trình cầu máng số 3 bị hỏng.
"Công trình chưa được bàn giao, bị sập do mưa lũ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại quy trình từ thiết kế, thi công, giám sát để có hướng xử lý, để có kết luận chính xác về chất lượng công trình này, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh thuê một đơn vị giám định độc lập", vị lãnh đạo khẳng định.
Công trình cầu Máng 3 bị gãy sập.
Bên cạnh đó, tiết lộ thêm về nhà thầu thi công của công trình, theo vị lãnh đạo trên, đó là Công ty đầu tư xây lắp Cửu Long có trụ sở tại TPHCM. Việc lựa chọn nhà thầu cũng được tổ chức đấu thầu công khai, đúng quy trình.
Để xảy ra sự cố vừa qua, thì nhà thầu thi công phải tự khảo sát thiết kế lại tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp sửa chữa, chịu toàn bộ chi phí.
"Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là xác định được nguyên nhân, trước đó, cũng có một trận mưa lũ làm trôi, chìm mất 6 con thuyền trên sông, còn nhiều nguyên nhân khác khiến các trụ cầu bị lún, nên cũng phải giám định lại.
Dù gì cũng phải khắc phục làm sao đến đúng mùa khô đưa cầu vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp", vị lãnh đạo cho biết thêm.
Được biết, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn đến Sở NN&PTNT phối hợp với các Sở, ngành và cơ quan chức năng yêu cầu cơ quan quản lý dự án là Trung tâm Quản lý Dự án và Tư vấn xây dựng công trình và Phát triển nông thôn đánh giá, xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, có biện pháp khẩn cấp khắc phục ngay.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự cố công trình.
Tiền sửa chữa dự trù gần...100 tỷ đồng
Đứng từ góc độ chuyên gia, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng Hà Nội cho biết: "Công trình chưa đưa vào khai thác, chưa phải chịu tải, mà đã xuống cấp, hư hỏng, chứng tỏ thiết kế, chất lượng công trình không đảm bảo.
Muốn đảm bảo công trình thiết kế tốt thì đầu tiên phải thực hiện đúng chức năng của nó, không được làm ẩu.
Phải làm tốt từ khâu khảo sát ban đầu về địa chất, khoan thăm dò, tiếp theo là khâu thiết kế, theo đúng tải trọng yêu cầu, cuối cùng là thực hiện thi công. Ở đây, bộ phận tư vấn giám sát thi công phải thực hiện đúng vai trò. Với công trình chưa đưa vào sử dụng đã hỏng, theo tôi chắc chắn là do 3 khâu đầu tiên".
Theo ông Hùng, phải xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục, phương án sửa chữa. Sau đó đến bộ phận thi công, trong thi công có tổ chức giám sát độc lập, đảm bảo khách quan.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học xây dựng Hà Nội cho biết: "Cầu máng được làm theo hình thức đi qua các trụ để vượt sông, nhưng trụ thì yếu, bê tông thì vỡ, để thấy chất lượng công trình rất tệ.
Đầu tiên, trụ lún một là do thiết kế sai, hai là thi công hỏng; bê tông vỡ nứt rõ ràng thi công chất lượng kém, kỹ thuật đổ có sai sót.
Hiện tại, đánh giá chung là chiếc cầu này không đạt đúng yêu cầu về chất lượng. Nếu muốn sửa chữa thì phải làm lại từ đầu, bình thường, các trụ rất bền vững, mưa gió cũng không ảnh hưởng, ở đây mưa có mấy tiếng mà cũng lún là có vấn đề".
Mặt khác, theo ông Thám, giờ phải khảo sát lại xem sai ở khâu nào, rồi lên phương án sửa chữa, khả năng gia cố lại các trụ là chắc chắn.
Trách nhiệm ở đây, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm trước, thi công đúng thiết kế thì mới nghĩ đến lỗi do người thiết kế.
Dự báo số tiền sửa chữa của công trình này, ông Thám nhận định: "Chi phí xây dựng là 100 tỷ đồng, nếu sửa chữa lại số tiền cũng có thể lên tới cả 100 tỷ đồng như đầu tư ban đầu".
Châu An
Báo Đất Việt