Cây cầu xây 7 năm mới hoàn thành... phần móngỞ xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cây cầu Thanh Niên khởi công năm 2002, nhưng đến nay chỉ mới xong... phần móng. Công trình đang bị dầm mưa, dãi nắng suốt 7 năm nay. Trong khi cây cầu Minh Đài bên cạnh đã quá tải.

Nói về cây cầu này, Chủ tịch UBND xã Văn Luông, bà Đỗ Thị Liên cho biết: “Dự án xây cầu Thanh Niên mới ngay cạnh cây cầu Minh Đài cũ do Vườn quốc gia Xuân Sơn làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2002. Theo thông tin xã tôi được biết thì 2 trụ cầu bên mép nước sông đã làm xong, nhưng phần trụ giữa dưới lòng sông thì không thể thi công tiếp. Nguyên nhân được xác định là chỗ khoan trụ giữa sông vướng phải đá ngầm”.

 

Thời điểm khởi công năm 2002, anh  Nguyễn Thiết Hải vẫn làm địa chính xã, giờ lên Phó Chủ tịch nói: “Lúc ấy khi tôi đang làm công tác địa chính, tôi nhớ xã cũng chỉ tham gia vài buổi họp thông báo là sẽ xây cây cầu Thanh Niên bắc qua sông Bứa trên địa phận xóm Bến Gạo. Còn không có một loại giấy tờ gì xã được giữ cả, bên chủ đầu tư (Vườn quốc gia Xuân Sơn) và các bên thiết kế, thi công giữ hết. Thế nên, giờ chúng tôi không có tiếng nói gì khi cây cầu bị ngưng tiến độ như thế này”.

Cây cầu xây 7 năm mới hoàn thành... phần móng_0

Cây cầu xây 7 năm mới hoàn thành... phần móng_1

Móng và thép vẫn trơ trơ 7 năm cùng sương gió

Người dân nơi đây phản ánh, hàng ngày, cứ tầm đầu giờ sáng và sẩm tối, những chiếc xe ben 15-17 tấn chở đá cứ ầm ầm qua lại cây cầu Minh Đài (cầu cũ, bên cạnh cầu Thanh Niên đang xây) làm nó rung lên như... bị động đất mạnh. Nhiều chỗ trên cầu Minh Đài bị sụt lún, mấp mô, 2 xe khó tránh nhau khi giao nhau trên mặt cầu.

Từ quốc lộ 32A đến Vườn quốc gia Xuân Sơn dài gần 30km, cầu Minh Đài là cây cầu duy nhất. Giờ nó đã xuống cấp trầm trọng, trong khi cây cầu Thanh Niên mới chưa biết bao giờ hoàn thành. Nguy cơ tai nạn vẫn luôn rình rập nơi đây!

Cây cầu xây 7 năm mới hoàn thành... phần móng_2

Cầu Minh Đài đã xuống cấp

Bà Đặng Thị Luật, 50 tuổi, xóm Đồng Gạo nói: “Cầu này được hoàn thành vào năm 1989. Từ mấy năm nay, có nhiều xe tải trọng tải lớn như xe chở gỗ, máy ủi, máy xúc thường xuyên đi. Muốn đi qua, các phương tiện nhỏ hơn như xe máy, xe đạp chỉ còn cách là chờ cho xe tải qua thôi. Mùa mưa năm ngoái, nước lên gần đến đáy cầu thì càng nguy hiểm, chẳng ai trong làng dám qua cả”.

Theo Viêtnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC