Theo thống kê của Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) sau khi cơn bão Mirinae quét qua TP.Hà Nội, 1110 cây xanh trên toàn Thành phố đã bị gãy đổ.
Đáng chú ý, không chỉ có các cây cổ thụ nhiều cành, tán rộng, chịu ảnh hưởng lớn nhất của gió bão bị gãy đổ, mà hàng trăm cây xanh mới được trồng từ vài năm lại đây, thậm chí những cây mới được trồng vào đầu mùa hè cũng bị bão làm cho bật gốc hàng loạt.
Loạt cây mới trồng chủ yếu là lát hoa, bàng lá nhỏ, phượng, mỡ...
Phần lớn những cây mới được trồng bị bật gốc có đặc điểm chung là cành nhỏ, tán chưa phát triển, cọc chống 4 chân rất đầy đủ.
Đúng ra những cây này sẽ ít chịu ảnh hưởng của gió nhất, thế nhưng vẫn bị đổ hàng loạt.
Ngoài ra, phần gốc của những cây này vẫn còn nguyên bầu đất được bọc kín bởi những túi lưới, nilon, và chôn khá nông so mới mặt đất.
Cây mới trồng bị đổ gục sau bão số 1, 4 cọc chống chỏng chơ.
Ông Đặng Quốc Khánh, chuyên gia cây xanh (Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Trúc Lâm) cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho những cây mới trồng của Hà Nội bị bật gốc.
''Đầu tiên phải kể đến đó là phần cọc chống, phần lớn Hà Nội dùng bạch đàn và keo để chống.
Thậm chí những cọc chống này vẫn còn tươi nguyên. Do đó chỉ sau vài trận nắng, những cọc này sẽ héo đi khiến cho bệ đỡ cây bị xô lệch không được chắc chắn. Nếu không thường xuyên kiểm tra, hệ thống cọc chống này sẽ không còn tác dụng chống chịu mưa bão.
Thứ hai, theo như quan sát thì phần gốc của những cây mới được trồng bị bật lên chỉ cách mặt đất khoảng 30 cm, như vậy là khá nông so với quy định, việc chống chịu với gió lốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thông thường, đối với những cây có đường kính gốc 20cm, cao từ 10m trở lên sẽ phải chôn sâu từ 50 - 70 cm.
Ngoài ra, đất ở Hà nội chủ yếu là đất phù sa cổ, đặc điểm của loại đất này là xốp, thoát nước nhanh, vì vậy khi trồng cây sẽ phải trồng sâu hơn bình thường một chút thì mới giúp cây vững chắc trong điều kiện ngặt nghèo.
Thứ ba, khi đã xác định trồng cây vào mùa hè thì sẽ phải chấp nhận những rủi ro do thiên tai mưa bão gây ra, điều này là không thể tránh khỏi.
Bởi lẽ do mới được trồng nên bộ rễ của cây chưa kịp phát triển ăn sâu vào lòng đất, rất khó có thể chịu được gió lớn chứ đừng nó là gió bão.''
Về khả năng sống sót của những cây mới đổ được dựng lên trồng lại, ông Khánh nhận định:
''Thông thường chúng sẽ bị chột mất một thời gian. Nếu được chăm sóc cẩn thận và tưới nước đầy đủ, cộng với thời thiết ủng hộ (ít nắng, mưa nhiều) trong khoảng 1 tháng thì những cây nào khỏe thì sẽ sống bình thường, còn đối với những loại cây khó trồng thì khả năng cây chết là rất cao.''
Nói thêm về việc Hà Nội mới trồng phượng vĩ trên dải phân cách ở nhiều tuyến đường trong nội thành, vị chuyên gia cho rằng, cành phượng rất giòn và dễ gãy. Nếu để ý kỹ một chút chúng ta sẽ thấy, sau trận bão vừa qua thì cành phượng bị gãy nhiều nhất, điều này sẽ tiềm ẩn 1 nguy cơ rất lớn đối với người dân.
Thêm vào đó, phượng là loại cây không chịu được úng, trong khi Hà Nội là địa phương thường xuyên xảy ra lụt lội vào mùa mưa. Có thể ban đầu phượng rất xanh tươi nhưng nếu không thoát nước kịp thời thì cây sẽ không hấp thụ được chất dinh dưỡng, điều này sẽ khiến cây bị chết ngay khi mới được trồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội thì Thành phố có rất nhiều đơn vị và các quận huyện tham gia trồng và quản lý cây xanh song song cùng lúc.
Lý giải về việc nhiều cây xanh bị gãy đổ còn lộ nguyên bầu rễ, ông Hưng nói muốn biết do rễ không phát triển được hay do đặc tính của cây, kỹ thuật trồng thì phải kiểm tra kỹ từng tuyến phố, từng loại cây và thời điểm trồng mới xác định được.
Theo Thiên An
Báo Đất Việt