Dù đã có Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức…nhưng vẫn xuất hiện tình trạng lãnh đạo bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà.
Ngày càng xuất hiện nhiều
Liên quan đến việc ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà tại Cục thuế tỉnh, Chi cục thuế TP Vũng Tàu và huyện Côn Đảo, chiều 6/9, bà Trần Thị Quốc Khánh – ĐBQH Hà Nội cho rằng cần phải nhìn nhận thật sự nghiêm túc vấn đề này.
Theo bà Khánh, từ trước đến giờ ít khi xảy ra những sự việc trên bởi lẽ việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trước hết là do các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo.
Thứ hai là việc này được triển khai ở các cấp có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập thể, phát huy dân chủ, chưa có hiện tượng “lợi ích nhóm”, “vi phạm quy chế dân chủ” nhiều như bây giờ.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ lo lắng trước việc tình trạng cán bộ, lãnh đạo bổ nhiệm hàng loạt người nhà ngày càng gia tăng. Ảnh: Đình Nam
“Trước đây chuyện bổ nhiệm cán bộ được làm chặt chẽ, công tâm, khách quan, “bó đũa chọn cột cờ”.
Người đứng đầu là tấm gương, biết giữ gìn đạo đức, tình cảm cách mạng trong sáng, giữ gìn uy tín, chăm lo cho cái chung, không bị “lợi ích nhóm”, tư tưởng “gia đình trị” chi phối. Cho nên cấp dưới “tâm phục khẩu phục”, nội bộ đoàn kết.
Thời gian gần đây, dù đã có Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức…nhưng vẫn xuất hiện tình trạng nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương dường như không tin ai bằng vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em mình nên tìm cách bổ nhiệm họ nắm giữ những vị trí chủ chốt, khiến cho nội bộ bất bình, dư luận xã hội bức xúc.
Nhiều người tự hỏi: Thủ trưởng đưa người thân, họ hàng nắm các vị trí chủ chốt rồi thì còn đâu chỗ cho người “có đức có tài”, được suy tôn từ trong quần chúng lao động sáng tạo thi đua yêu nước? Phải chăng đây là nguyên nhân hình thành và duy trì “lợi ích nhóm”? Phải chăng đây cũng là nguyên nhân làm cho bộ máy nhà nước còn nhiều trì trệ, không có hiệu lực, hiệu quả, khó tinh giảm biên chế ở một số nơi ?”, bà Khánh đặt câu hỏi.
Luật chưa chặt chẽ
Lý giải điều này, nữ ĐBQH Hà Nội cho rằng, trước hết nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của những cán bộ này còn yếu kém.
Quy định của Đảng về 19 điều Đảng viên không được làm khá rõ ràng.
Đó là: Nói, làm trái hoặc không thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Ðảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép; có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định…
Luật cán bộ, công chức quy định cán bộ công chức “có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”; “không được làm những việc liên quan đến công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền”.
Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định:
“Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.
Nghiên cứu kỹ những quy định này, một cán bộ, đảng viên bình thường có ý thức trách nhiệm phục vụ tập thể, biết đề cao cái chung sẽ cảm thấy rất ái ngại nếu để vợ, chồng, con cái mình làm ảnh hưởng đến việc chung của cơ quan, huống chi dám đưa họ vượt qua mặt anh, chị em khác trong cơ quan để làm phó cho mình.
Thực tiễn đó cho thấy:
Hoặc là có sự “bật đèn xanh”, dung túng của lãnh đạo cấp trên muốn bảo vệ, duy trì “ê kíp lợi ích nhóm”; hoặc là tất cả anh chị em khác trong cơ quan đều yếu kém, không ai đủ năng lực, trình độ, sự tin tưởng để thủ trưởng giao cho làm cấp phó; hoặc là có tình trạng vi phạm dân chủ trong nội bộ cơ quan, không ai dám lên tiếng?...
Nếu trở thành hiện thực, thử hình dung trong một cơ quan, chồng làm thủ trưởng, vợ làm thủ phó thì mọi quy định, quy chế của Nhà nước còn có tác dụng gì hay lúc đó giá trị đồng tiền, “chủ nghĩa cá nhân”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” lên ngôi, phương thức quản lý kiểu “gia đình trị” tha hồ tự tung tự tác? Bộ máy nhà nước trong trường hợp này có còn là “của dân, do dân và vì dân” hay không?
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà … sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa.
Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền…
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.
Vấn đề thứ hai là nhiều quy định của pháp luật Việt Nam hiện chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở khiến cho một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn muốn lạm quyền và dễ lợi dụng., như:
Chưa thể chế hóa đầy đủ nhiều quy định của Đảng về 19 điều đảng viên không được làm, các quy trình quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức thành các quy định của luật; chưa cụ thể hóa nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” trong Hiến pháp 2013 thành quy định của luật; chưa quy định cụ thể vấn đề đạo đức công vụ, cơ chế phải từ chức khi gây ra những vụ tham nhũng, thất thoát, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân…
"Thực tế hiện nay, pháp luật quy định rõ ràng các tổ chức, cá nhân “được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm” trong hoạt động khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh. Nhưng nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức “chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép” thôi.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa thực sự coi trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, có ý thức tự giác nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, cho rằng mình có quyền “được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” là hoàn toàn sai.
Đặc biệt vấn đề “quy hoạch cán bộ lãnh đạo” mấy năm gần đây mới được các cấp ủy Đảng quan tâm thực hiện, nhưng hiện giờ quy định còn rất chung chung, tạo kẽ hở để những người có ý định lạm quyền tận dụng”, bà Khánh phân tích.
Quy hoạch cán bộ đã làm nghiêm túc chưa?
Đối với vụ việc ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bà Khánh cho rằng “Việc này cần được các cấp ủy Đảng của địa phương phải kiểm tra xem xét việc quy hoạch đã làm nghiêm túc chưa?
Có vi phạm quy định của Đảng và quy chế dân trong cơ quan hay chưa? Trước mắt là đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi ấy có ý kiến trước đi.
Thẩm quyền ở cấp nào thì cấp ấy cho ý kiến và nếu cấp dưới chưa làm rõ được sai phạm trong quy trình này thì cấp trên cũng nên quan tâm xem xét, kiểm tra kết luận để trả lời công luận.
Nếu công tác tổ chức của Đảng không có ý kiến trước những vấn đề bức xúc của dư luận thì đương nhiên sẽ khiến người đân hoang mang, dần dần dẫn đến sự vô cảm, thiếu tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thế hệ chúng tôi nếu không được các thủ trưởng công tâm, khách quan mà “chỉ thích dùng người nhà”, người thân quen thì chúng tôi cũng không có cơ hội nào.
Vì vậy, tôi rất mong các thủ trưởng ở các cấp đừng đưa người thân, vợ, chồng, con, cháu… vượt qua mặt cán bộ anh em cấp dưới của mình đưa vào làm lãnh đạo, làm phó cho mình.
Hãy là tấm gương sáng để anh em học tập theo phong cách “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, để cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, phụng sự và đến ơn Nhân dân.
Người đứng đầu nếu thuộc loại người đề cao “chủ nghĩa cá nhân”, “lợi ích nhóm” thì sẽ thích dùng quyền lực để thao túng, đưa người thân vào quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt thay vì lẽ ra phải đưa anh em cán bộ xuất thân từ quần chúng công, nông, binh…đã qua rèn luyện, trưởng thành lên. Như thế thì đương nhiên “tiếng dữ đồn xa”, anh em cấp dưới sẽ không phục, dẫn đến phát sinh nội bộ và làm phiền cấp trên”, bà Khánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nữ ĐBQH Hà Nội cũng lưu ý rằng, hiện nay trong xã hội có rất nhiều cặp vợ chồng cùng tiến bộ và thành đạt, có nhất thiết cứ phải ở cùng một cơ quan hay không?
Nếu thực sự cả hai người cùng xứng đáng thì tại sao cấp ủy Đảng, chính quyền ở những nơi đó không bố trí cho hai người ở hai cơ quan khác nhau, đỡ mang tiếng, gây bức xúc dư luận và làm khó cho anh em cán bộ, công chức trong cơ quan?
“Những người thực sự hiểu rõ, chấp hành tốt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chắc chắn sẽ không bao giờ quy hoạch, bổ nhiệm tùy tiện, gây bức xúc dư luận”; “Các cụ ta xưa có câu Gieo nhân nào, gặt quả ấy…”, bà Khánh nói thêm.
Nguyễn Hoàn
Báo Đất Việt