altLũ dữ ầm ập đổ về những vùng quê nghèo của cái tỉnh được coi là nghèo nhất nhì đất nước này, Hà Tĩnh. Lũ vàng ngàu, tung sóng liếm hết những mái nhà. Những cánh tay chấp chới, 3 ngày, 4 ngày ở bất cứ phương tiện truyền thông nào cũng đầy ắp...

Cô giáo đi ôtô… 

Cả nước đau cũng nỗi đau của dân nghèo Hà Tĩnh. Mấy cô cậu học sinh Hà Nội chẳng biết lũ bao giờ, nhịn quà sáng gom tiền mua sách gửi cho bạn nghèo chưa biết mặt. Những tấm lòng chia sẻ. 

Bạn tôi. Mấy ngày chạy sấp ngửa xin hết chỗ này chỗ kia được mấy tấn hàng chuyển về cho vùng lũ. Thậm chí phải đi vay để kịp mua hàng (nhà hảo tâm chưa kịp chuyển tiền, mà nhà báo thì lấy đâu ra tiền có sẵn). 

alt
Sách em bị ngấm nước hết rồi!

Di chuyển cả đêm, tội các em học sinh Hà Nội, phờ phạc vì lần đầu tiên di chuyển bằng xe… tải. Đến Cẩm Xuyên, sách vở được trao tận tay bạn nghèo. Nghe bạn kể, nhà mình mất hết trơn rồi, lũ cuốn trôi cả sách vở, các em đã khóc, những giọt nước mắt thật lòng. 

Nhưng. Giá như đừng có cái “nhưng” này thì những giọt nước mắt ấy trọn vẹn làm sao! Giữa buổi trao quà đậm tình thương đồng loại ấy, một chiếc xe 4 chỗ thật bóng, thật đẹp xuất hiện. Một mệnh phụ trong bộ váy sang trọng xuất hiện. 

Cứ ngỡ, lại một người hảo tâm đến giúp các em. Mừng thầm. Mừng bao nhiêu lại thấy bẽ bàng bấy nhiêu. Mệnh phụ ấy là cô giáo trong trường. Cũng chẳng dám trách gì cô. Có điều kiện kinh tế, đi xe đẹp, mặc áo sang là quyền của cô. Nhưng trong cái cảnh học sinh còn lam lũ, bữa đói bữa no, đang không biết  ngày mai có bút vở để đến trường nghe cô dạy, thì sao thấy chạnh lòng. Sự lộng lẫy giàu sang của cô sao kệch cỡm đến vậy!

Và chuyện ông Bí thư làm “cửu vạn” 

Cầm những cuốn vở sũng nước của học sinh Cẩm Thủy, lại nhớ đến ngày đỉnh lũ Vũ Quang. Cái ngày mà dân sấp ngửa chạy lũ quên cả cái đói cận kề. Giữa chiều, ông Nguyễn Thanh  Bình (Bí thư Hà Tĩnh) đi ca nô to đến thôn 4, xã Hương Giang. Dân ào ra, xin mì tôm. Họ đói 2 ngày nay rồi. 

Ngay lập tức mì tôm được ném xuống. Ông Bình đứng ở mũi ca nô hét: “Không được ném, ướt hết, cập sát vào”. Mới nhích được gần bờ, ông lội ào xuống, bắt mọi người đi theo đứng sắp hàng để chuyển mì tôm. Các vị lãnh đạo ban ngành chưa kịp sắn quần cũng phải ào xuống. 

Nói thật, khi ấy tôi nghĩ rằng ông đang “diễn” vì  có cả cánh truyền hình địa phương đi theo. Bình thường, cú diễn ấy sẽ cực đắt giá về mặt truyền thông. Nhưng tôi nhầm. 

Ông Bình chẳng để ý đến cái ống kính truyền hình, mắt nhìn dân, tay chuyển hàng, miệng thì hét: “nhanh tay lên còn đi tiếp”. 

Mặt ông (tôi cũng mới gặp lần đầu) sạm đi, râu tua tủa. Cũng chẳng thấy ở ông bóng dáng cái hình ảnh quen thuộc của quan lãnh đạo: đạo mạo, trơn láng. Ông quần xắn đến bẹn, hùng hục lội nước, áo mưa xô lệch một bên. 

Lại cái giọng khản đặc quát vào máy điện thoại: “Anh để dân đói, tôi cách chức anh”. Chẳng biết ông quát ai, cũng chẳng biết có kỷ luật, cách chức quan dưới quyền nào không. Nhưng ông cương quyết lắm. 

Cũng đúng thật, quan mà để dân đói thì đáng cách chức, cho về đuổi gà giúp vợ! Nghe rằng, có vị chủ tịch xã bỏ lơ dân chạy lũ, không biết ông Bình xử ra sao? Nhưng tôi tin cái sự cương quyết của ông. 

Xin đi nhờ xe ông về TP Hà Tĩnh, ông đưa gói lương khô: “Cậu dùng tạm, cái này hay lắm, tôi nhờ nó cầm cự được hai ngày rồi”. Chẳng biết ngày thường ông ra sao, nhưng với tôi, một ngày chống lũ, ông thật ấn tượng.

Hai câu chuyện kể xin hầu bạn đọc ngày hậu lũ. Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn cần lắm những tấm lòng. Như cô bạn tôi bảo: “Mình đi xin, rồi đem cho dân bao nhiêu rồi vẫn thấy chưa đủ. Chắc mình tham quá”. Ừ tham thật, nhưng bây giờ cần có nhiều người tham như bạn! 

Theo KHDS.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC