Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, khu vực nông thôn của Hà Nội cũng tăng diện tích lên gấp nhiều lần. Đứng trước quá trình đô thị hóa “tốc độ cao”, những làng xã mới hợp nhất với Hà Nội đang lúng túng với đủ thứ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó, bức xúc, nhức nhối nhất hiện nay là vấn đề rác thải nông thôn.
Rác chạy vòng quanh, dân bức xúc
Gần một năm sau ngày mở rộng Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn Hà Nội, chỉ “áng” chừng 2.000 tấn/ngày. Giám sát mới nhất của HĐND TP cho thấy, rác thải sinh hoạt ở các huyện đa số chưa được thu gom, chôn lấp thủ công là chủ yếu nên ô nhiễm là không tránh khỏi.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ở khu vực Hà Tây cũ, còn 11 huyện đổ rác tại các bãi lộ thiên hoặc tận dụng ao hồ làm nơi chứa rác, không có hệ thống thu gom nước rác, gây ô nhiễm môi trường cho cả nước mặt và nước ngầm.
Tình trạng tại những nơi chưa được thu gom rác đã tồi tệ, song ở những nơi được thu gom cũng không khá gì hơn. Từ cuối năm 2008 đến nay, đã có 3 vụ việc người dân tại một số xã quanh các bãi rác của Hà Nội ngăn cản, chặn không cho xe chở rác vào bãi rác. Đầu tiên là sự cố tại bãi rác núi Thoong (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ).
Hố xử lý rác thải số 2 bị thủng, rò rỉ nước ra bên ngoài, lan ra các mạch nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường cả vùng dân cư xung quanh. Người dân đã chặn không cho xe chở rác vào khiến UBND TP đã phải cho đóng cửa bãi rác núi Thoong để khắc phục sự cố.
Trong thời gian chờ xử lý, toàn bộ lượng rác thải trước đây đổ vào bãi rác núi Thoong của các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất được đưa qua bãi rác Sơn Tây để xử lý. Thế là, chẳng được mấy ngày, bãi rác Sơn Tây trở nên quá tải, rác lại đổ dọc các tuyến đường giao thông gây ô nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Ngọc Oanh - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai cho biết, do bị quá tải, nên từ năm 2009, bãi rác Sơn Tây đã ngừng tiếp nhận. 4 tháng nay, lượng rác không biết chuyển đi đâu, đành phải dồn lại tại các điểm trung chuyển ở các xã.
Tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, mỗi ngày có gần 20 tấn rác thải xả ra. Tại khu Cống Ao - một điểm tập kết trung chuyển - có hơn 5.000 tấn rác ứ đọng, ngập ngụa cả hai bên đường 21B. Quá bức xúc, mới đây, người dân đã tự ý lăn đá hộc ra đường chặn không cho xe chở rác vào đổ, làm cho tình hình thêm phức tạp. Tiếp đó, người dân hai xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã chăng lều, võng, mắc màn ngủ đêm canh chừng không cho xe rác vào bãi rác Xuân Sơn và Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây.
Mới dừng ở giải pháp cục bộ
Trước bức xúc của người dân, UBND thị xã Sơn Tây đã đề nghị Nhà máy xử lý rác Sơn Tây dừng nhập rác mới, tập trung xử lý số rác thải còn tồn đọng đã chôn lấp không đúng quy trình và xử lý ô nhiễm môi trường do khói của lò đốt gây ra. UBND thị xã Sơn Tây đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án di chuyển các hộ dân nằm trong bán kính 500m, kể từ hàng rào khu xử lý rác thải Sơn Tây và Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Seraphin.
Nhưng theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Mạnh - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, tới nay, thành phố vẫn chưa duyệt. Ông Nguyễn Quang Mạnh phân trần: “Người dân cho chúng tôi 2 lựa chọn. Một là không đổ rác nữa, hai là di dời dân. Nếu thành phố không phê duyệt nhanh, tình hình sẽ phức tạp hơn...”.
Rõ ràng, những biện pháp trên mới chỉ giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề. Bởi lẽ, cứ tạm dừng đổ rác vào bãi này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm tấn rác mỗi ngày sẽ phải đổ sang chỗ khác. Phương án “đánh bùn sang ao” này khác nào vận chuyển ô nhiễm từ địa phương này sang địa phương khác.
Vấn đề khó nhất của Hà Nội hiện nay là thiếu chỗ chứa rác, thiếu nhà máy xử lý rác thải. UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại đi đôi với các khu xử lý quy mô nhỏ tại khu vực ngoại thành, làng nghề, khu vực trung chuyển, tái chế.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cam kết: “Xử lý rác thải sinh hoạt ngoại thành, thí điểm xây dựng khu xử lý quy mô nhỏ cấp xã hoặc thôn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong 2 năm 2009-2010”.
Theo ANTĐ.