Cầm chiếc vòng vàng trong tay, người phụ nữ thu mua phế liệu chưa một lần nhìn thấy vàng thật trong đời cảm thấy bối rối. Chị chạy qua nhà hàng xóm để hỏi liệu nó có phải vàng giả hay không? Người hàng xóm ngắm nghĩa một hồi rồi xác nhận, là vàng thật. Chị lấy ngay chiếc xe đạp của mình và lên đường.
Vất vả nghề “gom góp” để mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1967, quê Ý Yên, Nam Định) đã làm nghề thu mua đồng nát cũng đã được 10 năm. 10 năm chị bươn trải ngoài đường, cùng chiếc xe đạp của mình đi tới mọi ngóc ngách trong thành phố để tìm mua những thứ người ta không còn dùng đến. Chị Hoa kể mới đầu khi ra Hà Nội, vì không thông thạo đường nên chị chỉ dám đi những khu dân cư gần xóm trọ. Thế rồi, khi biết đường xá rõ hơn, chị mới dám đi xa.
Có những hôm, chị Hoa rong ruổi ngoài đường từ sáng sớm đến tối khuya, đem tiếng rao của mình hòa với những thanh âm của thành phố. Để rồi, lòng chợt mừng vui khi có ai đó kêu lại “Cô đồng nát ơi”. Cứ như thế, mười năm qua, chị cần mẫn làm việc, cần mẫn gom nhặt mỗi ngày để nuôi con ăn học.
Nhưng nghề nào cũng có cái vất vả của riêng nó.
Để có được thu nhập từ nghề “gom nhặt”, những người như chị Hoa sẽ phải đi nhiều, rao nhiều mới mong kiếm được nhiều đồ. Gom nhặt rồi còn phải phân ra loại này loại kia. Có đồ chị có thể bán, nhưng có những đồ chỉ có thể giúp gia chủ bỏ đi. Sau ngần ấy công phu, đến cuối ngày chị sẽ đem tất cả những đồ tích được ngày hôm ấy đi bán. Cả ngày công nhiều lắm, chị Hoa cũng chỉ thu về được vỏn vẹn 50 nghìn đồng.
Nhưng khi làm nghề “gom nhặt” này, thứ khiến chị Hoa sợ nhất lại không phải là những vất vả trên thân, mà là cách người khác đối xử với chị. Miệt thị, khinh thường là những điều chị nhận được rất nhiều trong hành trình 10 năm ấy.
Những tiếng gọi trống không “đồng nát ơi”, những lần bị người ta ném cả bịch đồ vào người, rồi cả những khi gia chủ dúi cả vào tay những túi có mảnh vỡ chai lọ bên trong, tất cả những hoàn cảnh ấy đã trở nên quá quen thuộc với chị. Nhiều lần chị không ngăn được những giọt nước mắt tủi thân, mặc dù chị biết mình đang kiếm tiền bằng lao động chân chính.
May mắn còn những tấm lòng
Nhưng may mắn là trên đời vẫn còn nhiều những người rất tốt. Họ thông cảm cho hoàn cảnh của những người như chị, không những thế còn giúp đỡ cho công việc của chị rất nhiều. Vì thế, chị Hoa còn tìm được những “khách quen”, những người thường xuyên để dành đồ để bán cho chị.
Hoàn cảnh làm việc đều là những nơi tồi tan, nhiều khó khăn.
Một lần đi vào mua đồ trong một khu tập thể cũ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Hoa gặp một cụ bà đã 80 tuổi. Bà cụ vẫy chị lại để bán ít chai lọ. Cụ nói, cụ cũng nhặt nhạnh những thứ đồ người ta bỏ đi để kiếm chút tiền mua quà bánh cho các cháu. Tấm lòng của cụ bà nghèo đã khiến chị Hoa cảm động nên thời gian sau đó, chị thường ghé qua khu tập thể này mua đồ của cụ.
Có lần, khi biết bà cụ đổ bệnh mà con cháu còn chưa về kịp, chị Hoa đã nhanh chóng đi mua nào cháo, nào thuốc về chăm cho cụ. Từ dạo ấy, cụ bà coi chị Hoa như con cháu trong nhà, mỗi lần đến mua đồ giống mỗi lần về thăm người quen. Họ không chỉ trao đổi chuyện bán mua mà còn cả những lời thăm hỏi, động viên chân tình.
Truyện ăn khế trả vàng
Chuyện mà chị Hoa nhớ nhất trong 10 năm làm nghề của mình có lẽ là lần đầu tiên chị tìm thấy một chiếc vòng vàng trong túi đồ phế liệu được cho. Chuyện cũng đã xảy ra cách đây hai năm.
Lần ấy, vào một buổi trưa nắng gắt, khi đang đi thu mua đồ ở khu vực Hai Bà Trưng, chị Hoa được một người phụ nữ sang trọng gọi vào. Bà chủ ấy tên Ngoan (52 tuổi), là chủ một công ty bất động sản. Bà Ngoan gọi chị vào để cho những đồ phế liệu sau đợt dọn dẹp nhà.
Chị Ngoan vui vẻ nhận bao tải phế liệu, gửi lại cho bà ít tiền gọi là mua bán. Nhưng bà chủ nhà từ chối. Vậy là chị đem túi đồ về phòng trọ để phân loại. Giữa đống giấy vụn và nhiều đồ đạc khác, chị Hoa tìm thấy một chiếc hộp đen rất đẹp. Khi mở ra, bên trong chiếc hộp có một chiếc vòng lấp lánh. Đoán là vòng vàng quý, chị liền mang sang nhờ người hàng xóm xem giúp, bởi chị sợ đó là vàng giả.
Nhưng người hàng xóm khẳng định, là vòng vàng thật. Vậy là, không suy nghĩ gì thêm, chị lấy xe đạp, mang vòng đi trả.
Chiếc xe đạp đã gắn bó hơn mười năm.
Kỷ niệm này khiến chị nhớ nhất không phải là hành động tốt của mình, mà là câu chuyện cảm động đằng sau chiếc vòng chị trả lại cho khách hôm ấy.
Sau khi mời chị vào nhà, nhận lại chiếc vòng từ chị, bà Ngoan đã rơm rớm nước mắt. Bà kể với chị rằng, chiếc vòng này là quà của người chồng đã mất, mua cho bà khi ông sắp qua đời.
Hai vợ chồng họ cùng nhau bươn trải gây dựng cơ đồ cùng nhau từ thủa hàn vi. Họ chỉ trở nên khấm khá khi chồng bà mở được công ty bất động sản. Lúc sự nghiệp trở nên tốt đẹp nhất, chồng bà lại mắc bệnh hiểm nghèo, khó mà qua khỏi. Chiếc vòng chính là món quà cuối cùng mà chồng bà muốn dành tặng cho người đã đồng hành cùng ông suốt cuộc đời. Trong chiếc vòng ấy có khắc một chữ “Tâm”.
Hôm ấy, bà Ngoan muốn gửi chị một khoản tiền để cảm ơn chị vì đã mang chiếc vòng trả cho bà. Nhưng chị ngoan chỉ nhẹ nhàng từ chối. Nếu sau này bà có thêm đồ để cho, chị xin nhận còn tiền thì chị xin gửi lại bà. Thế là, buổi chiều hôm ấy chị ra về với tấm lòng thanh thản và một câu chuyện xúc động trong tâm.
Trong cuộc đời này, mỗi con người đều đã được định sẵn một số phận với những sướng, khổ theo duyên nghiệp của mình. Nhưng điều đó không ngăn trở con người ta sống đúng và sống tốt.
Con người trong hoàn cảnh nào cũng cần nhất một chữ “Tâm”.
Công việc có vất vả tới đâu, có kém cao sang tới nhường nào, thì chỉ cần có sự cần cù, chăm chỉ, chỉ cần có sự chính trực trong lúc chúng ta làm việc, tâm ta ắt sẽ không hổ thẹn. Những lời khinh miệt khi ấy dù có thể làm ta tủi nhưng cũng không làm ta dao động.
Cuộc sống có nghèo khó đến đâu, chỉ cần ta thời thời khắc khắc giữ gìn tâm mình, ta sẽ không khi nào làm những điều sai trái. Cuộc đời có nhiều cám dỗ tới đâu cũng không thể khiến ta “bán” đi cái tâm trong sáng của mình.
Đó là tại sao, quan trọng nhất trong cuộc sống chính là giống luôn giữ được cho mình sự trong sạch, thiện lương trong tâm hồn, giống như những bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Nguồn: Hải Lam
DKN.TV