Trong khi các luật sư và bị cáo còn đang căn vặn về định nghĩa “thuốc giả” mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra, bởi họ cho rằng các bị cáo chỉ phạm tội “làm giả giấy tờ, tài liệu” chứ thuốc là thật, với chất lượng “gần đạt chuẩn” thì có một thực tế là đã bao lâu nay, những thứ thuốc “gần đạt chuẩn” ấy đã len lỏi đến từng gia đình, từng người bệnh ở Việt Nam.
Hàng trăm người ướng thuốc chữa bệnh ung thư rởm từ Công ty thuốc lớn nhất Việt Nam: VN Pharma
Công bằng mà nói, 9.268 hộp thuốc H-Capita 500mg, với tổng số 278.040 viên thuốc chữa trị một số bệnh ung thư chưa được đưa ra thị trường.
Về Việt Nam đầu năm 2014, số thuốc này vẫn nằm nguyên trong kho của Công ty VN Pharma bởi các cơ quan chức năng đã phát hiện dấu hiệu gian dối trong hồ sơ. Đến tháng 8/2014, các bằng chứng giả mạo bị lật tẩy, cơ quan an ninh tịch thu toàn bộ số thuốc, còn một số lãnh đạo VN Pharma bị bắt giam.
Vậy thuốc H-Capita 500mg mà VN Pharma nhập về là gì?
Theo kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chuyên môn, những viên thuốc H-Capita 500mg có chứa 95% hoạt chất Capetitamin, dùng để chữa một số bệnh ung thư như các thuốc đặc trị cùng loại khác.
Mức tạp chất là 0,17%, cao hơn so với quy định 0,1% của Bộ Y tế. Nhiều vỉ thuốc không có viên bên trong, nhiều hộp thuốc không có hướng dẫn sử dụng…
Trong kết luận của mình, Hội đồng Giám định của Bộ Y tế nêu rõ:
Thuốc H-Capita 500mg được VN Pharma nhập về là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và không được dùng cho người.
Quan trọng hơn cả, nhà sản xuất mang tên Helix Pharmaceuticals không có trên thực tế ở địa chỉ như VN Pharma đã khai trong hồ sơ.
Dù mang theo mình rất nhiều giấy tờ sai quy định và các biểu hiện nghi vấn, lô thuốc gần 300.000 viên này vẫn nhận được giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam, đàng hoàng tham dự đấu thầu và thắng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện.
Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, số thuốc này có thể đã đến tay người bệnh.
Trước khi đến tay người bệnh, thuốc nhập khẩu phải đi theo trình tự:
- Phải có tên trong danh mục thuốc được nhập vào Việt Nam;
- có đầy đủ thủ tục, giấy tờ chứng minh xuất xứ và chất lượng từ nhà sản xuất…
Đến đây, thuốc chia thành 2 ngả vào Việt Nam.
Thứ nhất là thuốc nhập theo lô.
Giải thích dễ hiểu cho thuật ngữ này là thuốc nhập theo đơn đặt hàng riêng lẻ của các bệnh viện. Số thuốc này thường là biệt dược, số lượng hạn chế, được hưởng ưu đãi nhất định khi nhập khẩu sau khi được Bộ Y tế cho phép.
Thứ hai là thuốc nhập đại trà.
Theo danh mục được phép và theo dự báo nhu cầu dùng thuốc của các bệnh viện, Bộ Y tế cấp phép cho các đầu mối nhập thuốc thông qua kết quả đấu thầu tập trung. Doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp thuốc nhập khẩu đạt chuẩn, giá thành rẻ… là có khả năng trúng thầu cao.
Giá cả là một trong vài yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp thắng thầu cung cấp thuốc. Vậy là các doanh nghiệp nhập khẩu cố gắng tìm kiếm những nguồn cung hàng hóa đặc biệt này từ khắp nơi trên thế giới, sao cho có mức giá tốt nhất.
Trong trường hợp của VN Pharma, thuốc H-Capita 500mg được mua qua một nhà môi giới Philippines, do một công ty của Hong Kong cung cấp từ nhà sản xuất Canada (không có thật).
Mỗi viên thuốc H-Capita 500mg nhập khẩu có giá khoảng 19.000 đồng, được VN Pharma chào thầu 35.000 đồng/viên và thắng thầu khi giá sàn là 65.000 đồng/viên. Những con số này đủ cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt về giá chào thầu thuốc trước mỗi kỳ đấu thầu tập trung.
Chính vì thế, trên thực tế, nhiều loại thuốc nhập theo lô (được hưởng ưu đãi) lại tham gia đấu thầu tập trung và “đánh bại” các loại thuốc khác nhờ giá thành thấp.
Sau thắng thầu, thuốc từ nhà nhập khẩu được lưu hành trên thị trường, đưa vào các nhà thuốc. Lúc này, các trình dược viên mới tiếp tục công việc “thuyết khách” của mình để các bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân.
Giai đoạn này mới thực sự là cuộc chạy đua của “người đàm phán” đến từ doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thuốc sao cho sản phẩm của mình được người bệnh sử dụng nhiều, thông qua… đơn thuốc của bác sĩ.
H-Capital 500mg chưa đến tay người bệnh, nhưng trước thời điểm tháng 8/2014, VN Pharma đã nhập nhiều thuốc khác của nhà sản xuất “tàng hình” mang tên Helix Pharmaceuticals – Canada, qua các rào cản thủ tục, bán cho người tiêu dùng Việt Nam.
Đây thật sự là nỗi lo với cộng đồng, với hàng loạt câu hỏi:
Có bao nhiêu Công ty như VN Pharma đang tồn tại? Có bao nhiêu thuốc giống như H-Capita 500mg?
Có bao nhiêu nhà sản xuất “tàng hình" như cái tên Helix Pharmaceuticals – Canada?
Nguồn: Gia Trung - TẠP CHÍ KHÁM PHÁ