Cuộc sống sau bão lũMột tuần sau khi bão lũ tàn phá, nhiều vùng dân cư ở Phú Yên vẫn chưa rút hết nước, điện cũng không. Người dân bắt đầu dựng lại nhà từ cái nền còn trơ cả gạch, trẻ con phơi sách vở chuẩn bị đến trường...

Bão lũ đi qua đã để lại hậu quả nặng nề, người dân Phú Yên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. Từ trong mất mát, đau thương, người dân nơi đây đang từng bước gầy dựng cuộc sống mới trên nền nhà trống trơn do nước lũ giật sập, cuốn trôi.

Hiện tại nhiều vùng lũ ở Phú Yên hệ thống điện thắp sáng vẫn chưa thể khắc phục được, nhà nhà phải thắp đèn dầu. Một số vùng lũ, mực nước vẫn còn chưa rút hết, nước ngập trên đường. Ông Tôn Thành Chi ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân, bộc bạch: “Tài sản bị cuốn trôi mất mát rất nhiều nhưng nhìn lại thấy người thân, bà con mình còn sống, thoát nạn qua lũ là tôi thấy mừng rồi. Còn người là còn của.

Cuộc sống sau bão lũ_0

Đến sáng 9/11, nhiều tuyến đường về thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An, nước lũ vẫn còn băng đường khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ở thôn Bình Hòa, xã An Dân và khu dân cư Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, hàng trăm chiến sĩ của Quân khu V được điều động về giúp người dân địa phương san bằng lại nền nhà đổ nát, dựng lại lều bạt tạm, giúp những gia đình bị sập nhà có chỗ “trú mưa, tránh nắng” trước mắt.

Anh Trần Thái Minh ở khu dân cư Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An xúc động: “Căn nhà của mẹ con tôi đã bị nước lũ cuốn trôi, may quá những ngày qua có bộ đội về giúp dọn dẹp đống đổ nát, dựng lều tạm ở, nấu ăn, sinh hoạt. Khó khăn rồi cũng qua đi, ổn định vài ngày rồi tính tiếp chuyện làm ăn nữa chứ”.

Dọc theo các tuyến đường về huyện Đồng Xuân, huyện Tuy An... từng đoàn cứu trợ khắp nơi trong cả nước đã về cùng sẻ chia đau thương, mất mát cùng đồng bào vùng lũ. Những thùng mì tôm, nước tinh khiết được gửi đến vùng quê này, sưởi ấm đồng bào vùng lũ Phú Yên vượt qua lúc khó khăn.

Xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân - nơi bị trận lũ quét kinh hoàng vào đêm 2/11 cuốn sạch hơn 40 nhà dân và 18 người tại làng quê nhỏ bé này. Những ngày qua, dân cả thôn Triêm Đức đã “đồng cam, cộng khổ” tập trung tìm kiếm thi thể người mất tích, lo mai táng chu đáo người xấu số. Họ đã chia sẻ từng miếng ăn, ngụm nước uống, giúp nhau dựng lại nhà tạm tạo chỗ ở tạm cho người dân ở khu xóm tang thương này.

Bà Nguyễn Thị Phương ở xóm Trường nghẹn ngào nói: “Lũ dữ đã cuốn trôi mất 3 người của gia đình tôi, may nhờ sự quan tâm từ chính quyền địa phương và bà con trong thôn đã tận tình giúp đỡ nên tang thương cũng vơi dịu đi phần nào”.

Hơn 8.200 hộ dân ở các xã: An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây, huyện Tuy An, đến hôm nay vẫn còn bị chia cắt. Trước tình hình này, tỉnh Phú Yên đã điều động ba canô để đưa người dân qua lại trên sông Ngân Sơn do cầu Làng Gốm bị đứt do lũ cuốn trôi mất hai nhịp. Lãnh đạo huyện Tuy An cũng đã quyết định chi hơn 500 triệu đồng để nối lại hai nhịp của chiếc cầu này, sớm chấm dứt tình trạng chia cắt giao thông giữa thị trấn Chí Thạnh, quốc lộ 1A với ba xã trên của huyện Tuy An.

Để giúp người dân vùng bão lũ Phú Yên sớm khắc phục hậu quả thiên tai, quân khu V đã điều động hơn 1.000 chiến sĩ tỏa về các vùng quê bị thiệt hại nặng do bão lũ giúp người dân dọn dẹp vệ sinh bùn đất, dựng tạm nhà cửa, lau dọn bàn ghế tại các trường học…

Tỉnh Phú Yên cũng đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và nhiều đoàn cán bộ y tế về các huyện: Đồng Xuân, Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu, giúp người dân xử lý môi trường, tham gia vận chuyển hàng cứu trợ lương thực cứu đói, cứu khát khẩn cấp cho người dân vùng rốn lũ.

Ngày 8/11, tiết trời ở Phú Yên đã hết u ám, nắng bừng lên tỏa sáng mọi nẻo đường quê. Người dân vùng rốn lũ tranh thủ mang lúa, quần áo ngập nước lũ ra giặt phơi, học sinh soạn sách vở hong khô chuẩn bị trở lại trường… Từ trong mất mát, đau thương, người dân vùng rốn lũ đang từng bước gượng dậy xây dựng cuộc đời mới.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC