Tự bào chữa, cựu phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng thừa nhận hành vi phạm tội, nói "rất đau đớn khi từ một người tham gia chống dịch không ngại khó, góp nhiều công sức đẩy lùi dịch bệnh, nay lại đứng trước tòa".

1 Cuu Pho Chu Tich Ha Noi Chu Xuan Dung Ke Ca Pham Toi Khong Nen Noi Xau Nguoi Khac

Bị cáo Chử Xuân Dũng tự bào chữa trước tòa - Ảnh: KIM TUYẾN

Chiều 18-7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục phần tranh tụng, bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội, Trần Văn Tân - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và một số bị cáo, luật sư tiếp tục trình bày quan điểm bào chữa.

Đứng trước bục khai báo, ông Dũng và ông Tân điềm tĩnh, trình bày rành mạch các quan điểm bào chữa, thừa nhận hành vi phạm tội và mong được hưởng khoan hồng.

Ông Chử Xuân Dũng: Bị cáo rất đau đớn

Đứng trước bục khai báo, ông Dũng thừa nhận sai phạm và kể lại những đóng góp của bản thân cho công tác chống dịch của Hà Nội.

Ông Dũng dành nhiều thời gian nói về cáo buộc nhận hối lộ. Ông cho rằng chỉ một lần duy nhất gặp hai người đưa hối lộ cho mình là Trần Minh Tuấn - giám đốc Công ty Thái Hòa và Lê Thị Ngọc Anh - cán bộ Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương.

Tuy nhiên, ông không nhớ rõ mặt mũi của hai người này, chỉ khi cấp dưới trình đề xuất thì ông ký duyệt như các doanh nghiệp bình thường khác.

Đáng chú ý, cựu phó chủ tịch Hà Nội phản bác lời khai của bị cáo Ngọc Anh rằng "được doanh nghiệp trả công theo chuyến".

"Lời khai này của Ngọc Anh khiến tôi thấy rất ấm ức, khó chịu. Ngọc Anh còn phải cậy nhờ quan hệ, hứa hẹn nhiều lần mới được gặp bị cáo một lần. Sau đó bị cáo đã tin vào lời nói khéo léo của Ngọc Anh để nhận tiền.

Nếu gác lại các đồng tiền phạm tội sang một bên thì vẫn là tình người, con người mình. Kể cả phạm tội, mình vẫn cần trung thực, là người tử tế, đàng hoàng, không nên nói xấu người khác", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông không thể nhớ nổi "đã nhận bao nhiêu tiền, nhận như thế nào". Ông sau đó phải nhờ điều tra viên làm rõ giúp. Nhưng cuối cùng, do quá mệt mỏi, ông Dũng đã chấp nhận số tiền nhận hối lộ. "Ở đây là tôi chấp nhận, chứ không phải xác nhận về số tiền nữa".

"Bị cáo rất đau đớn khi từ một người tham gia chống dịch không ngại khó, ngại khổ, góp nhiều công sức đẩy lùi dịch bệnh, nay lại đứng trước tòa", ông Dũng phân trần và mong hội đồng xét xử mở rộng khoan hồng, để ông sớm có cơ hội quay trở lại xã hội.

Trước đó, ông Dũng bị viện kiểm sát đề nghị 4-5 năm về tội nhận hối lộ với cáo buộc nhận 2 tỉ đồng của doanh nghiệp.

2 Cuu Pho Chu Tich Ha Noi Chu Xuan Dung Ke Ca Pham Toi Khong Nen Noi Xau Nguoi Khac

Luật sư Trịnh Văn Tuyến trình bày bài bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng - Ảnh: KIM TUYẾN

Bào chữa cho ông Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định ông Dũng không có sự thỏa thuận, yêu cầu hay gây khó dễ để doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội.

Việc đưa và nhận tiền giữa hai bị cáo liên quan với ông Dũng hoàn toàn chỉ mang tính "được chăng hay chớ", "đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu".

Theo luật sư Tuyến, trước đó trong phần xét hỏi, ông Dũng trình bày: "Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này".

"Điều đó càng cho thấy mặc dù ông Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly", luật sư nêu quan điểm.

"Lần đầu nhận tiền, bị cáo đã biết mình sai"

3 Cuu Pho Chu Tich Ha Noi Chu Xuan Dung Ke Ca Pham Toi Khong Nen Noi Xau Nguoi Khac

Trần Văn Tân - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - được dẫn giải đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Tân bị viện kiểm sát đề nghị mức án 8-9 năm tù, với cáo buộc nhận hối lộ 5 tỉ đồng.

Tự bào chữa, bị cáo Tân thừa nhận hành vi của mình là hoàn toàn sai và thừa nhận trách nhiệm, đồng thời cho biết đã khắc phục được 3/4 hậu quả.

Theo bị cáo Tân, trong quá trình thực hiện công việc, bị cáo đã làm hết vai trò, trách nhiệm được giao. 

Trước chủ trương nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước, bị cáo đã sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp, hoàn toàn không có ý gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đến xin cách ly ở Quảng Nam.

Cũng theo lời bị cáo, mỗi lần bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty BlueSky) đến gặp, ông đều dặn phải chăm lo tốt cho công dân và đồng bào về nước, xem ai có bệnh gì không, ăn uống như thế nào, đưa đến nơi về đến chốn… chứ không được gây khó khăn cho công dân.

"Công dân về đã khó khăn rồi nên không được thu thêm tiền", bị cáo Tân phân trần và cho hay thời điểm đó ông thường xuyên chủ động kiểm tra, giám sát việc này.

"Lần đầu nhận tiền, bị cáo đã biết mình sai rồi. Những lần sau thì chị Hằng nói là tặng sinh nhật, lễ Tết… nên bị cáo nhận", bịcáo Tân giãi bày và mong hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo ngay từ đầu để cho bị cáo được hưởng khoan hồng.

Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Tân, luật sư cho biết "đây là vụ việc đau lòng". Hiệp hội các doanh nghiệp, nhiều công ty và cá nhân ở tỉnh Quảng Nam đã có đơn gửi hội đồng xét xử đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tân.

Vị luật sư cho hay "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", Đảng và nhân dân ta cũng có đường lối, chính sách pháp luật rất nhân văn, rõ ràng, chỉ nghiêm trị những người ngoan cố, khoan hồng với người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả.

Luật sư đề nghị viện kiểm sát áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt để bị cáo Tân được hưởng mức hình phạt từ 6-7 năm tù, thấp hơn hình phạt mà viện kiểm sát đã đề nghị, để bị cáo sớm về với gia đình, cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho xã hội, báo hiếu người cha đã cao tuổi.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC