Hà Nội Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Y tế, khai đã dùng 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ đi đầu tư đất và cho người quen vay, chứ không đưa tiền cho ai khác.

Chiều 12/7, Phạm Trung Kiên, 42 tuổi, người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, bị thẩm vấn. Ông Kiên bị xét xử về tội Nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất tới tử hình.

Bị cáo Kiên khai làm thư ký thứ trưởng Y tế từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2022. Khi thực hiện cấp phép chuyến bay, Bộ Y tế là một trong 5 bộ tham gia tổ công tác thực hiện đưa công dân về nước. Tại đây, Cục Y tế dự phòng được giao nhiệm vụ phê duyệt hoặc từ chối đề xuất của Bộ Ngoại giao về tần suất, số lượng chuyến bay, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

1 Cuu Thu Ky Thu Truong Y Te Dung 42 Ty Dong Nhan Hoi Lo Vao Viec Gi

Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: Ngọc Thành

Theo cựu thư ký thứ trưởng, từ tháng 6/2021, các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, tháng 6-7/2021, không có doanh nghiệp nào đến gặp. Từ cuối tháng 7, các doanh nghiệp mới bắt đầu tiếp xúc, đặt vấn đề nhờ Kiên hỗ trợ để có sự đồng ý của Bộ Y tế, để Bộ Ngoại giao cho tổ chức chuyến bay.

"Có trường hợp doanh nghiệp nào bị Bộ Y tế từ chối không", chủ tọa hỏi. Kiên ấp úng nói: "Không có".

Trước cáo buộc 253 lần nhận 42,6 tỷ đồng của các cá nhân, doanh nghiệp, bị cáo Kiên thừa nhận là đúng. Tuy nhiên, bị cáo phản bác lời khai của một số bị cáo rằng mình ra giá 150 triệu đồng một chuyến bay và 7-15 triệu đồng một khách lẻ.

Cựu thư ký 42 tuổi khẳng định không ra giá với doanh nghiệp mà họ "tự đề xuất mức chi, hình thức chi tiền" cho các chuyến bay. Kiên cũng không quát tháo, dọa nạt doanh nghiệp như một số bị cáo khai.

Ngược với Kiên, tại tòa, nhiều bị cáo khai đã bị cựu thư ký thứ trưởng Y tế làm khó, quát nạt, ra giá cho mỗi chuyến bay. Trước việc này, bị cáo Kiên cho rằng các lời khai đó "không đúng sự thật". Kiên không gọi điện thoại gợi ý mà các doanh nghiệp đều chủ động nhờ tư vấn, giúp đỡ.

"Tiền nhận hối lộ bị cáo dùng để làm gì?", chủ tọa truy vấn. Kiên đáp ngắn gọn rằng, cho người thân vay và đầu tư đất đai. "Bị cáo không đưa tiền cho ai khác", Kiên nói.

"Cho ai vay? Đầu tư đất đai ở đâu? Có đúng là không đưa tiền cho người khác không?", chủ tọa hỏi liên tiếp. Kiên vẫn khẳng định là tiền nhận hối lộ cho người chú họ ở Thái Bình vay và đi đầu tư đất đai ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức. Bị cáo cam đoan lời khai này đúng sự thật và "không bị ai tác động để khai khác đi".

Kiên đã chủ động trả lại cho các doanh nghiệp 12 tỷ đồng và cùng gia đình đóng thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo cho hay cũng đã nhắn nhủ người thân cố gắng khắc phục triệt để số tiền còn lại trong những ngày tới.

Được gọi lên đối chất sau đó, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch công ty VijaSun), Lê Hồng Sơn (Công ty Bầu Trời Xanh), Vũ Minh Thắng (Công ty Thuận An, đều khai Kiên trực tiếp ra giá mỗi chuyến bay.

Bị cáo Dương nói, có một lần cùng Sơn lên phòng làm việc của Kiên và đã chứng kiến Kiên quát tháo Sơn, yêu cầu chi mấy triệu đồng một khách. "Khi anh Sơn nói như vậy sẽ phải chi 10 tỷ đồng một chuyến bay nên không thể lấy đâu ra. Kiên dịu giọng nói phải chi 150 triệu đồng một chuyến, không sẽ không phê duyệt", Dương trình bày tại tòa.

Bị cáo Sơn, Thắng cũng chung nội dung lời khai, cho hay còn từng xin giảm còn 100 triệu đồng một chuyến nhưng Kiên không đồng ý, nói "đã có barem".

Theo cáo trạng, bị cáo Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, cả về số lần và số tiền. Trong 11 tháng, Kiên đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỷ đồng của 18 người đại diện các doanh nghiệp.

Điển hình, từ tháng 7 đến 11/2021, bị cáo 7 lần nhận 6 tỷ đồng tại trụ sở Bộ Y tế để giúp Công ty Bầu trời xanh được cấp phép 40 chuyến bay. Những lần khác, Kiên nhận tiền thông qua tài khoản của người thân.

Phiên tòa đang tiếp tục việc thẩm vấn, dự kiến kéo dài một tháng.

Thanh Lam - Phạm Dự

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC