Ông Trần Bảo Minh, phó chủ tịch Công ty Nutifood
Thông tin trên được ông Trần Bảo Minh, phó chủ tịch Công ty Nutifood Việt Nam, đưa ra tại tọa đàm “Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" do báo Thanh Niên tổ chức sáng 16-4.
Mang Yang - vùng đất tuyệt vời để nuôi bò sữa chất lượng cao
Ông Trần Bảo Minh cho biết là doanh nghiệp sở hữu trang trại bò sữa nằm nhóm lớn nhất ở Mang Yang, mới chính thức đưa vào khai thác được 4 năm, song sau quá trình cải tạo công nghệ, điều kiện chuồng trại và đặc biệt là giống thì kết quả đạt được rất tốt.
"Mùa đông này, một con bò sữa lứa mới nhập từ Mỹ về có thể cung cấp tới 40 lít sữa/ngày, tương đương mức sản lượng tại các trang trại ở Mỹ" - ông Minh thông báo.
Không chỉ có sản lượng cao, chất lượng sữa ở đây có hàm lượng đạm cao, chất béo cao. Nhờ nguồn nước ở Mang Yang rất sạch, không khí sạch, khí hậu mát nên dịch bệnh ít, nhờ vậy sữa bò ở Gia Lai có chất lượng rất tốt, sản lượng cao.
Vị trí huyện Mang Yang trên bản đồ
"Vùng đất này đúng là thiên đường để chăn nuôi bò sữa. Các nhà đầu tư muốn phát triển những trang trại bò sữa hiện đại, chất lượng cao, làm ra sản phẩm sữa sạch thì Mang Yang có thể nói là vùng đất tốt nhất ở Việt Nam" - ông Trần Bảo Minh cho biết.
Dư địa của ngành sữa rất lớn
Ông Nguyễn Tuấn Anh - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết theo công bố Quy hoạch Gia Lai đến năm 2050, Gia Lai được quy hoạch thành "cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe", là vùng đất xanh, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.
Về khí hậu thổ nhưỡng, huyện Mang Yang hội tụ mọi điều kiện cần và đủ để phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa. Nằm ở độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, Mang Yang có khí hậu mát mẻ, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Gia Lai có diện tích đất tự nhiên gần 16.000km2, là tỉnh lớn thứ 2 của cả nước, có khí hậu mát mẻ "như một máy lạnh tự nhiên khổng lồ". Tỉnh chia làm 2 vùng, Tây Trường Sơn và Đông Trường Sơn, bên nắng, bên mưa nên có đủ nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất quanh năm.
Trong quy hoạch chung đã được phê duyệt, tỉnh dành trên 850.000ha đất để sản xuất nông nghiệp, bằng đất sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh miền Trung cộng lại. Đặc biệt, đất ở đây là đất đỏ bazan màu mỡ. Đất sạch, không bị ô nhiễm.
Tỉnh Gia Lai đã có nhiều nghị quyết kêu gọi các dự án chăn nuôi. Ngành chăn nuôi đang có nhiều dự án được triển khai. Hiện tỉnh có trang trại gần 110.000 con bò thịt chất lượng cao. Ngoài ra, Nutimilk cũng có trang trại 12.000 con bò sữa. Trước đây, sữa có Ba Vì hay TP.HCM có Củ Chi thì nay có bò sữa Mang Yang.
GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết Việt Nam mới đáp ứng 42% nhu cầu sữa trong nước. Việt Nam chi khoảng 1 tỉ USD để nhập sữa trong giai đoạn 2018 - 2020.
Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,138 tỉ USD, tăng 12,56% so với năm 2020. Như vậy, kế hoạch phát triển trang trại bò sữa của Nutifood ở Mang Yang, Gia Lai là nguồn thông tin rất đáng khích lệ cho ngành sản xuất sữa bò Việt Nam.
Mục tiêu 700.000 con bò sữa
Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết năm 2023, sản lượng sữa Việt Nam đạt 1,17 triệu tấn. Tổng đàn bò sữa là 370.000 con. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng sữa đạt từ 1,7 - 1,8 triệu tấn.
Năm 2030, sản lượng đạt 2,6 triệu tấn. Hiện nay, bình quân tiêu thụ sữa Việt Nam là 12 lít sữa tươi, sữa quy đổi ước chừng 28 - 30 lít/năm/người. Mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn bò sữa nước ta sẽ đạt từ 650.000 - 700.000 con, trong đó khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại.
TRẦN MẠNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online