Theo đó, Tập đoàn SAP sẽ hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc đẩy mạnh các kỹ năng mềm như tư duy thiết kế và các công nghệ giải quyết vấn đề, nâng cao nền tảng công nghệ, giúp sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có khả năng tham gia cung cấp các dịch vụ số một cách chủ động và bảo mật.
Cụ thể, những nội dung được đề xuất thực hiện trong khuôn khổ hợp tác là SAP sẽ hỗ trợ các chương trình đạo tạo công nghệ dành cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các chuyên gia từ SAP sẽ thỉnh giảng tại Đại học Bách khoa. Nội dung đào tạo là những phần kiến thức đang có nhu cầu cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cung cấp cho sinh viên những năng lực để có thể áp dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong công nghiệp và trong kinh doanh.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội và SAP ký kết biên bản ghi nhớ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
SAP cũng sẽ hỗ trợ tiếp cận các các nhà tuyển dụng tiềm năng để giúp sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có thêm cơ hội thực tập, việc làm. Điều đó sẽ giúp sinh viên làm quen, giải quyết các vấn đề trong thực tế.
“Đặc biệt, SAP sẽ tổ chức các khóa đào tạo khoảng 3 tháng để đào tạo trình độ chuyên gia tư vấn về giải pháp phần mềm cho những sinh viên tốt nhất. Đây là chương trình đào tạo tài năng trẻ,” ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Hoàng Minh Sơn, trước những yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phải xây dựng lại chiến lượng đào tạo khoa học công nghệ, trong đó có đổi mới về cơ cấu ngành nghề, xây dựng lại chương trình đào tạo và các chuẩn đầu ra để cung cấp cho người học năng lực phù hợp, cốt lõi trong thời gian tới.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường, các doanh nghiệp.
Ông Sơn cho rằng việc hợp tác với các doanh nghiệp sẽ giúp hỗ trợ trường về thiết bị, công nghệ, chuyên gia để việc đào tạo sát thực tế, có tính ứng dụng thực tiễn cao và cập nhật liên tục các công nghệ mới. Trường đã hợp tác với nhiều đối tác như Samsung, Tập đoàn VNPT… và sẽ tiêp tục ký kết với các đối tác khác để sinh viên ra trường không chỉ có năng lực cốt lõi được đào tạo ở trường mà còn có năng lực thực tế từ các doanh nghiệp.
“Không chỉ trong công nghệ, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những yếu tố cốt lõi được áp dụng trong tất cả các ngành và từ đó, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của xã hội. Chúng tôi tin trong thời gian tới, trường sẽ là một trong những đơn vị góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước để phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” ông Sơn nói.
Nguồn: Vietnam+