Anh Trần Chí Dũng, phụ huynh của cháu Kiên, học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng khi con anh bị tai nạn gãy xương đùi phải phẫu thuật nẹp vít xương và các bác sĩ khẳng định phải có một lực tác động từ bên ngoài rất mạnh mới có thể gãy xương như vậy.

Đâm học sinh gãy chân: Hiệu trưởng nói dối để chối tội khiến dư luận bức xúc - 0

Trước đó, trường đã phát phiếu thăm dò và kết quả thu về là 100% học sinh, giáo viên, cán bộ khẳng định không có ô tô đi vào.

Hiệu trưởng chối tội: Không có chiếc xe ô tô nào đi vào trường

Theo lời cháu Kiên thì cháu bị một chiếc ô tô đâm phải và theo như cháu nhớ thì trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác.

Tuy nhiên, nhà trường lại khẳng định con anh tự ngã trong giờ ra chơi chứ không phải do tai nạn.

Bà Tạ Thị Bích Ngọc vào ngày 20/12 sau đó khẳng định vào ngày xảy ra tai nạn không có bất cứ chiếc xe nào vào trường.

Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức hẳn một cuộc khảo sát ý kiến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để khẳng định, hôm đó không có chiếc xe ô tô nào đi vào trường và cháu Kiên ngã là do đùa nghịch, tự ngã trong giờ ra chơi.

Ngày 6/2 vừa qua, trong cuộc họp giao ban với các sở ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc lại sự việc này và yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như Quận Cầu Giấy xem xét đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng của bà Ngọc trong lúc chờ làm rõ sự việc.

Lời khai của người lái Taxi

Tuy nhiên, vào ngày 10/2, Công an Hà Nội đã tìm ra lái xe taxi gây tai nạn cho cháu Kiên là ông Trần Quốc Tuấn (sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Vào ngày 10/2, Công an Hà Nội đã triệu tập ông Tuấn để làm rõ sự việc.

Theo anh Dũng, vào cuối tuần qua, bà Mạnh Thị Hoa, đại diện gia đình ông Tuấn cũng đã liên hệ với gia đình anh để đến thăm hỏi cháu Kiên và xin lỗi về việc đã gây ra tai nạn cho cháu.

Theo thông tin từ bà Hoa, chiều 12/2, Công an Thành phố Hà Nội đã cùng ông Tuấn và lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Trung Yên dựng lại hiện trường.

 Do ông Tuấn không được tiếp xúc với người ngoài theo yêu cầu của cơ quan chức năng, vụ việc tai nạn của cháu Kiên được kể lại qua lời của bà Mạnh Thị Hoa, vợ của ông Tuấn.

Đâm học sinh gãy chân: Hiệu trưởng nói dối để chối tội khiến dư luận bức xúc - 1Cháu Trần Chí Kiên bị chấn thương nặng, gãy xương đùi phải nẹp vít xương nhưng nhà trường khẳng định cháu chơi đùa tự ngã.

Theo lời bà Hoa, ngày 1/12/2016, chồng bà chở hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên và một cô giáo từ bệnh viện Việt Đức về trường.

Khi về tới trường, một trong 2 cô ngồi trê xe gọi cho bảo vệ mở cổng để ô tô đi vào. Khi xe đi vào đến sân trường thì đụng phải một học sinh, chính là cháu Kiên, con trai anh Dũng.

Sau đó, ông Tuấn xuống xe mở cửa cho cô giáo và cô này tới đỡ học sinh bị ngã còn cô hiệu trưởng thì đi thẳng vào trong.

Sau đó, một cô giáo nói với ông Tuấn là không có việc gì cứ lái xe đi nên ông Tuấn đã lái xe đi.

Hiệu trưởng kêu oan?

Ngày 13/2, sau khi báo chí đăng tải câu chuyện của ông Trần Quốc Tuấn, người lái chiếc xe taxi gây ra tai nạn đối với cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4, tại Trường TH Nam Trung Yên, cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đã gửi tới báo chí bức thư kêu cứu.

Trong thư, cô "khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự thật, bảo vệ lẽ phải cho các thầy cô giáo". Cô cũng đề nghị báo chí "lắng nghe tiếng kêu cứu và lời trần tình sự thật của các cô giáo (mà thực tế là của cô)".

Sự thật mà cô Ngọc muốn "trần tình" với các cơ quan truyền thông chính là: Cô không ngồi trên chiếc xe ô tô gây ra tai nạn cho học sinh Trần Chí Kiên; cô cũng không nhìn thấy chiếc ô tô nào đâm học sinh.

Vì vậy, cô Ngọc cho rằng, lời kể từ vợ của lái xe Trần Quốc Tuấn mà báo chí đăng tải là "không đúng sự thật" (Lời kể cho hay: Ông Tuấn lái xe chở cô Ngọc và cô Hương - hiệu phó - đi vào trường thì va phải cháu Kiên. Ông Tuấn đã mở cửa cho cô Hương xuống đỡ học sinh còn cô Ngọc thì đi thẳng vào trong).

Theo diễn giải của cô hiệu trưởng, sự thật ở đây là sau taxi đi thẳng vào trường, hai cô đã xuống xe và đi vào bên trong, ông Tuấn lùi xe thì va chạm phải cháu Kiên. Khi đó, hai cô không hề biết có sự va chạm này.

Vụ tai nạn ngày 1/12/2016 tại Trường TH Nam Trung Yên đã diễn ra như lời kể của vợ lái xe Trần Quốc Tuấn hay như lời trần tình của cô Ngọc? Sự thật tới nay vẫn đang đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ và sẽ sớm có kết quả.

Tuy nhiên cô Ngọc có lẽ đã đãng trí khi quên mất rằng, trước khi gửi bức thư trần tình sự thật, cô cũng đã cung cấp cho báo chí một sự thật khác.

Ngày 20/12/2016, sau khi nhận được thư phản ánh của phụ huynh, chúng tôi tìm đến trường. Trong suốt gần 1 giờ đồng hồ làm việc, cô hiệu trưởng diễn giải bằng những câu chuyện về tuổi già, về sự thể "tình ngay, lý gian".

Khi đó, cô Ngọc khẳng định:

Trường có quy định không cho bất cứ xe nào ra vào trường trong giờ học; vào buổi sáng xảy ra sự việc không có bất cứ chiếc xe nào ra vào. Và do đó, việc phụ huynh phản ánh chuyện cháu Kiên bị ô tô đâm là không thể.

Cô cũng cho nhóm phóng viên xem tập phiếu khảo sát ý kiến của toàn bộ học sinh  cán bộ giáo viên.

Trong tập phiếu này, tổ bảo vệ trực buổi sáng ngày 1/12/2016 khẳng định, ngày hôm đó không có bất cứ chiếc xe nào ra vào trường.

Cô Ngọc cũng quên mình đã  rất rành rõ chỉ cho các phóng viên những ý kiến mà cô khảo sát từ các học sinh về vụ việc để khẳng định rằng cháu Kiên đùa nghịch rồi chạy ngã trong giờ ra chơi chứ không có bất kỳ chiếc xe nào va phải, cùng với nhận xét: "Học sinh trong toàn trường thì không thể giấu được".

Trong bức thư trần tình gửi ngày 13/2, cô Ngọc giải thích đã "vô tình không để ý đến chi tiết cô Ngọc và cô Hương có đi taxi vào trường".

Thế nhưng, điều gì đã khiến chiếc xe taxi chở các cô trở nên vô hình trong mắt tổ bảo vệ? Và điều gì đã khiến vụ va chạm của chiếc xe taxi vào cháu Kiên ngay giữa sân trường đã trở thành việc học sinh chạy rồi tự ngã?

Trong bức thư trần tình ngày 13/2, cô Ngọc cho hay mình làm khảo sát ý kiến học sinh và cán bộ giáo viên là theo yêu cầu của phụ huynh.

Còn trong buổi làm việc cuối năm 2016, cô nói mình thực hiện cuộc khảo sát đó theo ý kiến "tham mưu" của cô hiệu phó với mục đích khẳng định không có chiếc xe nào vào trường và không hề có vụ tai nạn như học sinh phản ánh.

"Theo lẽ thông thường, bất kỳ ai nhìn thấy tai nạn cũng phải giúp đỡ và bảo vệ em bé (nhất là khi sự việc xảy ra trong trường của mình và với học sinh của mình) chứ không dại gì bảo vệ người lái taxi" - cô Ngọc giãi bày như vậy trong bức thư trần tình mới nhất. Cho tới hiện tại, chúng tôi cũng đồng cảm với điều này.

Tuy nhiên, người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về sự thật khác nhau mà cô đưa ra.

Phạm Bình (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC