Câu chuyện về người dân đau khổ vì đa cấp, đau khổ vì bị người khác hiểu nhầm về đa cấp của mình và đa cấp vẫn đúng theo luật.
Đa cấp của tôi chân chính, còn lại đa cấp khác lừa đảo
Tiếp theo đó, bà Thu tham gia Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam (viết tắt là Cty CP LMTDVN) với tinh thần: “Ai muốn nói gì thì nói, còn tôi vẫn theo con đường đã chọn. Cty CP LMTDVN sống thì tôi sống, còn thì ngược lại”.
Ông Lê Văn Lấn với sản phẩm của Cty CP LMTDVN. Ảnh: Tuổi trẻ
Bà Thu cho biết thêm, có khoảng 20% người dân ở địa phương tin tưởng vào hoạt động kinh doanh này, số còn lại cho rằng hoạt động “có dấu hiệu lừa đảo”.
“Hằng tháng công ty không trả tiền mà tự mình làm một doanh nghiệp của mình, có khách hàng thì mới có hoa hồng. Hệ thống của chúng tôi bây giờ có khoảng 1.000 người ở huyện Như Xuân, Ngọc Lặc…", bà Thu tự tin.
Trường hợp ông Lê Văn Lấn (trú xã Đông Thanh, Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng tương tự với bà Thu, sau khi đóng nhiều gói hàng vào Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (hiện đã bị ngừng hoạt động, cơ quan công an đang điều tra) vẫn tiếp tục tham gia kinh doanh đa cấp ở công ty khác.
“Đầu năm 2014, Cty CP LMTDVN ra chương trình tri ân là tham gia mua một gói sản phẩm 6,8 triệu đồng thì sẽ được tri ân lại 30,5 triệu đồng. Sang giữa và cuối năm 2014, công ty bắt đầu chuyển sang một chương trình mới là tham gia mua một gói hàng 8,45 triệu đồng thì được tri ân trở lại là 403 triệu.
Đây là chương trình phát triển rực rỡ nhất của Cty CP LMTDVN, cán bộ công nhân viên nhà nước, đội ngũ giáo viên tham gia vào đây nhiều nhất, bởi vì người ta có lương, còn nhân dân tham gia thì nhiều thật nhưng người ta tham gia một vài gói hàng”, ông Lấn cho biết thêm.
Gần đây, công ty này còn có chương trình gọi là báo đáp khách hàng, tham gia gói sản phẩm vẫn là 11,8 triệu đồng nhưng được trích 3% lợi nhuận của tổng công ty cho từng gói hàng. Tức là tháng nào cũng có lương, ngoài lương và trích lợi nhuận ra thì còn được các quyền lợi khác cũng giống như các chương trình trước.
Theo ông Lấn, Cty CP LMTDVN có 2 dòng sản phẩm chủ đạo là chăm sóc sức khỏe và phân vi sinh.
Ngay tại Đống Đa, Hà Nội, cụ Đặng Văn Ân (78 tuổi, trú 123 Linh Quang, phường Văn Chương) cũng trở thành "con mồi" của đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy khi tham gia mua 165 mã hàng với giá hơn 1,8 tỷ đồng.
"Tôi tham gia vào TNMU là do 1 người đồng đội cũ giới thiệu, và được tư vấn là sẽ thu về 25 triệu/mã. Có 3 lần tôi được nhận tiền tri ân, tổng cộng là 358 triệu đồng. "Quy luật" trả tiền hoa hồng của họ, là cứ sau mỗi lần tôi đóng vào đó một khoản tiền lớn, tới giữa tháng tôi sẽ nhận được tiền hoa hồng", cụ Ân nói.
Tuần và Thực (từ trái sang) trong vụ bị tố lừa gia đình cụ Ân (78 tuổi, Hà Nội).
Tết 2016 vừa qua, cụ Ân còn gặp 2 người tên Nguyễn Trí Thực (chủ cơ sở đa cấp TNMU tên Hoàng Phúc tại số 4, lô 6, Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) và một người tên Tuần, cùng tham gia Công ty TNMU và được họ mời mọc mua thêm gần 700 triệu tiền mã hàng sẽ lên cấp trưởng phòng và sau vài tháng sẽ có thêm vài tỷ.
Những người này khi biết cụ Ân đã hết tiền nhưng vẫn còn mảnh đất hơn 100 m2 và ngôi nhà trên đất nằm ở sau Ga Hà Nội thì đã tỏ ý giúp đỡ các thủ tục không cần qua ngân hàng để sang tên đổi chủ và không cho con cái biết, "dễ hỏng việc". Sau đó cụ đã được lên chức "Trưởng phòng".
Tới khoảng 1 tháng sau, vợ chồng ông Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà tới đòi nhà thì gia đình cụ Ân mới choáng váng, hoảng loạn. Hai vợ chồng Việt - Hà thì họ nói họ cũng không phải chủ thực sự, mà là một người khác làm tín dụng, đã xuất 700 triệu ra cho cụ Ân mà cụ thực sự cũng chưa được cầm số tiền đó.
Sau quá nhiều lần can thiệp gia đình cụ Ân mới đang trong quá trình lấy lại được khoản tiền 700 triệu trên, cũng rất bức xúc và gọi 2 tên Tuần, Thực là "bọn lừa đảo".
Song sau đó, cụ Ân lại được tiếp xúc với một nhân sự thuộc Công ty TNMU tên là Dung và đột nhiên dần thay đổi quan điểm.
Anh Đặng Quang Thắng, con trai cụ Ân cũng ngậm ngùi: Sau khi gặp người tên Dung, đại diện của Công ty TNMU đứng ra để giải quyết vụ việc: "Bố tôi vẫn cam đoan TNMU rất tốt. Có lẽ họ đã lại 'tẩy não' ông lần nữa rồi".
Bộ Công thương bảo tốt, Y tế nói không
Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có biên bản làm việc với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy theo quyết định của Bộ trưởng và cho rằng gần như toàn bộ tài liệu liên quan và biên bản đều được thực hiện đúng pháp luật.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh tới việc trong năm 2014-2015, công ty này đã nộp thuế 418 tỷ đồng.
Sản phẩm đai chữa bệnh giá hàng chục triệu đồng được chi nhánh của công ty Thiên Ngọc Minh Uy ở Vĩnh Phúc bán cho người dân khi tham gia mạng lưới này. Ảnh: VietnamNet
"Trong quá trình kinh doanh, một số đại lý có vi phạm quy định đã bị công ty chấm dứt hợp đồng. Số người yêu cầu trả hàng đã được công ty trả lại tiền. Công ty đã thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp", đoàn kiểm tra nêu ý kiến.
Đoàn kiểm tra lấy ngẫu nhiên 67 loại thực phẩm chức năng, 5 mỹ phẩm và 6 sản phẩm điện kiểm tra thì đều có xác nhận của cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp này cũng đã thông báo và được cho phép hoạt động bán hàng đa cấp tại 62 tỉnh, thành phố, việc tổ chức các sự kiện cũng được xác nhận là không có vi phạm gì.
Hiện nay, công ty TNMU mới đào tạo cho gần 77.500 người trên tổng số hơn 81.000 đại lý.
Biên bản của đoàn kiểm tra nêu: "Công ty đã thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, công ty còn một số điểm cần phải khắc phục”.
Chứng chỉ đào tạo kiến thức bán hàng đa cấp của một "nhân viên".
Theo đó, Thiên Ngọc Minh Uy chỉ có 3 điểm bị nhắc nhở, gồm: Cần thông báo kịp thời tới các Sở Công Thương khi có thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Thứ hai là thực hiện đào tạo cơ bản cho toàn bộ người tham gia theo Chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký và cấp thẻ thành viên cho người tham gia. Thứ ba là ghi nhận đầy đủ thông tin của người tham gia trong hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Bản kết quả kiểm tra này không nhắc đến việc Thiên Ngọc Minh Uy có làm đúng quy định theo Luật về kinh doanh đa cấp hay không.
Bộ Y tế: Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy sai phạm nghiêm trọng TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, qua tư liệu báo chí cung cấp, việc người của Thiên Ngọc Minh Uy nói về tác dụng chữa bệnh của các loại thực phẩm chức năng mà họ bán cho khách chăm sóc sức khoẻ là sai nghiêm trọng. Vì tuyệt đối không được quảng bá thực phẩm chức năng có công dụng trong khám chữa bệnh. "Đồng thời, việc tổ chức khám chữa bệnh phải có sự cho phép của Bộ Y tế với điều kiện gắt gao về cơ sở vật chất, nhân lực đủ trình độ chuyên môn chứ không thể để mấy vị chuyên viên đa cấp kiêm bác sĩ thế này được", ông Phong khẳng định. |
Hồng Cúc (Tổng hợp)