Các doanh nghiệp Bắc Âu thảo luận tại sự kiện Ngày Bắc Âu ở TP.HCM hôm 20-3 - Ảnh: NGHI VŨ
Theo đại diện các nước Bắc Âu (Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy), việc dịch chuyển thị trường lao động sang các ngành công nghiệp và công nghệ kỹ thuật cao, tay nghề cao là chìa khóa giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn cũng như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Mô hình Bắc Âu"
Ở sự kiện tổ chức tại Đại học Fulbright Việt Nam, các diễn giả đều cho rằng sự dịch chuyển trên đòi hỏi phải chú trọng tới đổi mới, số hóa, đào tạo nghề, giáo dục, phát triển kỹ năng, và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe đã chia sẻ về "mô hình Bắc Âu" - phương pháp giúp các quốc gia Bắc Âu dịch chuyển lực lượng lao động chú trọng nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ sáng tạo.
"Các bên sử dụng lao động, công đoàn và chính phủ ở khu vực Bắc Âu đang hợp tác chặt chẽ nhằm tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội phát triển tốt cho cá nhân. Mô hình này, thường được gọi là "mô hình Bắc Âu", đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và được công nhận vì khả năng chống chịu của khu vực trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây. Giáo dục miễn phí và đầu tư đáng kể vào nghiên cứu đã đóng góp hình thành những công dân có trình độ cao và một xã hội hiện đại, công nghệ cao", bà Mawe nói.
Nữ đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các kế hoạch mạnh mẽ bao gồm hệ thống bảo hiểm xã hội để đối mặt với những thách thức như dân số già hóa, điều này cũng sẽ sớm trở thành một thực tế cấp bách đối với Việt Nam trong tương lai.
Theo Đại học Fulbright Việt Nam, "mô hình Bắc Âu" cung cấp các bài học có giá trị liên quan đến việc nâng cao tính thích ứng của thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh toàn cầu.
Bàn về cách khuyến khích một nền kinh tế sáng tạo, ông Kjell Håkan Närfelt, trưởng cố vấn chiến lược tại Cơ quan Đổi mới Thụy Điển Vinnova, cho rằng điều này đòi hỏi nhân tài, nguồn vốn và các tổ chức tri thức (trường học, thư viện hay báo chí), cơ cấu công ty khuyến khích sáng tạo, hệ thống hỗ trợ, cơ sở vật chất sáng tạo và khả năng gia nhập thị trường dễ dàng. Những yếu tố này cần phải kết nối với nhau để tạo ra hiệu quả cao nhất.
"Ví dụ như ở Việt Nam, bạn cần tạo ra những cá nhân tài năng thông qua đầu tư vào nguồn nhân lực và nguồn vốn trí tuệ... Bạn phải tạo ra những hình mẫu truyền cảm hứng", ông Närfelt nói. Ông khẳng định đó là cách Thụy Điển đã đạt được thành công trong các giai đoạn công nghiệp hóa những năm 1800, 1990 và gần nhất là giai đoạn 20 năm trở lại đây.
Ứng dụng tại Việt Nam được không?
Thực tế cho thấy Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, còn thiếu thốn nhiều nguồn lực so với các quốc gia Bắc Âu. Điều này đã khiến không ít đại diện các trường cao đẳng, dạy nghề tham gia chương trình hôm 20-3 không khỏi thắc mắc làm sao để "mô hình Bắc Âu" có thể ứng dụng tại Việt Nam.
Giải đáp câu hỏi trên, bà Sanna Nummela, giám đốc dịch vụ của Trường EduCluster Phần Lan, cho rằng mọi mô hình giáo dục đều cần được địa phương hóa để có thể thành công. Với nguồn lực giới hạn, bà Nummela gợi ý các trường đào tạo của Việt Nam có thể bắt đầu từ giáo viên. "Bạn cần trang bị cho giáo viên kỹ năng sư phạm, đào tạo họ cách thức và công cụ để luôn cập nhật thực tế của thị trường việc làm", bà nói.
Ngoài ra, bà Nummela nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hợp tác giữa nhà trường và giới doanh nghiệp. Theo nữ giám đốc này, sự tương tác giữa hai bên không nên chỉ dừng lại ở những buổi kiến tập, mà nên bắt đầu đi vào công việc giảng dạy. Bà cho rằng các trường nên thảo luận cùng doanh nghiệp về cách xây dựng giáo trình để phục vụ tốt nhất cho thị trường lao động.
"Điều quan trọng nhất là các trường đào tạo nghề không chỉ để giúp người trẻ học gì đó. Các trường này tồn tại để phục vụ đời sống làm việc, đưa người lao động vào làm việc và đưa người phù hợp tới đúng chỗ", bà Nummela nói.
Bên cạnh đó, bà Ingrid Christensen, giám đốc quốc gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng ngay cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cũng có thể góp phần vào công tác cải thiện chất lượng nguồn lao động.
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Christensen cho rằng bên cạnh trường lớp, cần có các doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp nhỏ, tham gia giúp đỡ nâng cao kỹ năng và đào tạo cho người lao động.
"Việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng", bà khuyến nghị. Lãnh đạo ILO tại Việt Nam cho rằng công tác đào tạo cần quan tâm đến các kỹ năng có thể tuyển dụng được, tức người lao động biết cách vận dụng kỹ năng đã học vào công việc thực tế.
Giới thiệu việc làm cho học sinh trung học
Theo ông Reinaart Pretorius - quản lý dự án cấp cao của Liên minh Doanh nghiệp Na Uy (NHO), Việt Nam có khoảng 11% lực lượng lao động là lao động tay nghề cao và khoảng 26% là lao động tay nghề có bằng cấp.
Trong 20 năm có mặt tại Việt Nam, NHO đã cùng hợp tác và hỗ trợ các đối tác tại Việt Nam trong hoạt động giáo dục và đào tạo nghề (VET). Ông Pretorius chỉ ra rằng việc tuyển dụng dựa trên kỹ năng đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Chương trình của NHO không chỉ đơn thuần kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, mà thu hẹp khoảng cách năng lực giữa họ và giới thiệu cơ hội việc làm cho học sinh trung học. Các hoạt động này nhằm giúp người lao động đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư tương lai và các chương trình hợp tác chiến lược.
Điển hình, theo ông Pretorius, NHO đã thành công phát triển 30 tiêu chuẩn nghề và các kỹ năng liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Cũng trong ngành ngày, NHO giúp hơn 500 người lao động nhận bằng nghề, nâng cao nhận thức cho hơn 30.000 người trẻ và nông dân.
NGUYÊN HẠNH - NGHI VŨ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online