Cổ phần hóa ở Việt Nam còn mang tính hình thức và việc chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam không theo trật tự chung của thế giới.
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế - PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam khi trao đổi về căn nguyên của tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Cổ phần hóa hình thức?
Đề cập đến câu chuyện đất đai đóng vai trò chủ yếu trong tổng giá trị toàn bộ tài sản Nhà nước, PGS.TS Lê cao Đoàn cho rằng, đất đai là tài sản quý giá ở nhiều phương diện kinh tế, xã hội, lịch sử, tuy nhiên tài sản này được sử dụng và phân bổ thế nào là vấn đề hệ trọng cho sự phát triển.
Đối với Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và được sử dụng dưới sự điều chỉnh của Nhà nước là căn bản.
Nghĩa là ngay từ đầu đất đai bị đặt ra ngoài cơ chế thị trường, không thể kiểm soát bằng hệ thống kinh tế thị trường được mà bằng hệ thống Nhà nước.
Đặt trong quan hệ kinh tế phi thị trường, tài sản Nhà nước, trong đó có đất đai, bị xâm hại, thất thoát nghĩa là nó chuyển hóa từ người này sang người khác.
Nguồn gốc dẫn tới sự thất thoát tài sản Nhà nước, trong đó có đất đai, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, xuất phát từ tình trạng cổ phần hóa hình thức tại Việt Nam.
"Đối với nền kinh tế thị trường, đầu tiên phải xác định sở hữu của ai? "Ai" ở đây trong kinh tế thị trường phần lớn là tư nhân, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò là một công xưởng hay một người làm dịch vụ công cộng cho cộng đồng xã hội của nước ấy để giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cộng, trong đó có thể chế và pháp luật.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nền kinh tế chưa được tổ chức theo nguyên tắc như thế mà dường như chỉ là cổ phần hóa hình thức, thay vì một "ông" giờ chia thành ba "ông" nhỏ.
Điều đó không làm thay đổi bản chất của vấn đề, chưa phù hợp với kinh tế học", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.
Vị chuyên gia dẫn bài học ở Nga làm ví dụ minh họa.
Theo đó, khi quốc gia này tiến hành cổ phần hóa, có những người bất ngờ giàu lên một cách nhanh chóng.
Đó không phải là thành tựu của sự phát triển mà do một số ít người tận dụng cơ hội đó chiếm được rất nhiều tài sản, biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân.
"Trong quá trình ấy, đất đai bị thất thoát nhiều nhất và nhanh nhất. Người ta chuyển đổi đất nông nghiệp chuyển thành đất đô thị, làm giá trị của nó tăng lên chóng mặt. Các tư nhân, nước ngoài hoặc các công ty lớn, chỉ mua được phần nhỏ, trong khi một hệ thống quyền lực chia nhau phần tài sản ấy, những nhà đầu tư mang vốn đến đầu tư cũng được lợi khi được mua rẻ, thậm chí được bán lại với giá như cho", ông nói.
Để làm rõ phương thức thất thoát tài sản Nhà nước, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng cần xem xét các dự án do ai thực hiện? Ai quyết định giá cả? Các giá cả ấy phân phối lại lợi ích của đất đai thế nào, không chỉ trước mắt mà cả lâu dài?
Quản lý dễ dãi kiểu... Việt Nam
Bàn thêm về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn bày tỏ sự lo lắng khi quản lý đất đai ở Việt Nam quá dễ dãi.
"Một thời gian dài, truyền thông nói nhiều về việc người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam mua nhiều diện tích đất của ta, xây dựng nên các công ty, tiến hành kinh doanh và đưa người của họ sang.
Họ phát triển kinh tế rồi thu lợi ngay trên đất Việt Nam. Tại sao đất của Việt Nam lại có thể chuyển nhượng dễ dàng như thế? Phải chăng vì chúng ta quản lý đất đai quá dễ dãi.
Ngày xưa bố tôi là chưởng bạ, việc quản lý đất đai được thực hiện kỹ càng từng ly từng tý bởi từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, quy tắc địa bạ của Việt Nam làm theo lối của Pháp.
Tương tự, ở các nước khác, họ không quản lý đất theo kiểu xây dựng hàng rào nhưng đừng tưởng rằng như thế là dễ dãi. Họ quản lý theo bản đồ vệ tinh, một tấc đất cũng không được chiếm. Khi đất thuộc quyền sở hữu của một cá nhân, Nhà nước muốn sử dụng cũng phải mua, không thể nói đơn giản là thu hồi".
Vị chuyên gia chỉ ra căn nguyên của việc quản lý đất đai chưa chắc chắn, không loại trừ khả năng là vì người quản lý sẽ có được phần trăm lợi ích nhất định ở trong đó.
Cũng theo vị chuyên gia, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam không theo trật tự chung của kinh tế thế giới. Chính trật tự ấy đẻ ra một hệ thống tài chính chặt chẽ để kiểm soát và nhờ có nó, khi xảy ra việc gì, lập tức người a co thể thiết lập lại trật tự ngay được.
"Trong hệ thống tài chính có các nguyên tắc về quản lý chặt chẽ, một xu cũng không thể rơi đi đâu được.
Nhưng nước ta không theo kiểu như thế, bởi chưa đủ minh bạch và chưa theo kịp các quy tắc chung của kinh tế thế giới nên tài sản cứ bị thất thoát", PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.
Thành Luân
Báo Đất Việt