"Phố hàng rong" trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) được tổ chức bài bản, gọn gàng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo ông Tân, để giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, TP.HCM có thể tính đến việc quy hoạch các "phố hàng rong" như đang triển khai tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) từ năm 2017.
TS Dư Phước Tân cho biết hai "phố hàng rong" nêu trên hiện có 27 gian hàng. Các gian hàng chia làm 2 ca hoạt động, với 54 hộ kinh doanh. Họ được bố trí mặt bằng buôn bán, được tài trợ dù che và bàn ghế theo mẫu thống nhất để đảm bảo mỹ quan.
Theo vị chuyên gia, dù quy mô nhỏ nhưng sau 6 năm triển khai, hai "phố hàng rong" đầu tiên của TP.HCM vẫn tồn tại cho thấy đây là mô hình thí điểm hiệu quả. Tuy nhiên, do hạn chế về quy mô, chỉ thí điểm trong không gian nhỏ nên vẫn chưa thấy được tác động lớn.
Ông Tân nhận định việc quy hoạch các khu tập trung bán hàng rong sẽ đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, ông kiến nghị UBND TP tổng kết mô hình thí điểm "phố hàng rong" tại quận 1 và tiến hành thí điểm thêm mô hình mới, với quy mô lớn hơn.
Khi triển khai, TP cần ưu tiên chọn người bán hàng rong độ tuổi từ trung niên, ưu tiên những ai đang là lao động mang đến nguồn thu nhập chính của gia đình để vào "phố hàng rong" buôn bán. Đồng thời, cần kiểm soát địa điểm bán hàng rong cũ để tránh hiện tượng lấn chiếm mới.
Vị trí cho thuê vỉa hè, lòng đường để xe ở công viên Lê Văn Tám - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Đồng tình với quan điểm quy hoạch khu tập trung hàng rong, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng cho biết bài học từ "phố hàng rong" tại Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp nói lên vấn đề văn hóa quản lý đô thị.
"Mô hình 'phố hàng rong' giúp đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống người dân, phù hợp góc độ nhân bản, vì con người, vì xã hội trong văn hóa quản lý đô thị", PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nói.
Cũng tại hội thảo, đại diện Phòng quản lý đô thị quận 3 cho biết với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khi cơ quan quản lý phát hiện hoặc có thông báo từ người dân, quận sẽ chỉ đạo xử lý nhanh. Riêng việc xử lý hàng rong "di động" thì đang gặp khó.
Còn theo đại diện Phòng quản lý đô thị quận 4, địa phương cũng đang xây dựng đề án ba khu vực kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè và xin ý kiến các sở, ngành. "Mô hình 'phố hàng rong' ở quận 1 khá hay, nhưng nếu nhân rộng ra các quận khác thì mặt bằng, nguồn lực và quản lý ra sao cần cân nhắc kỹ", vị này nói.
Ngoài quy hoạch "phố hàng rong", TS Dư Phước Tân cho rằng giải pháp quan trọng để quản lý và khai thác vỉa hè trên địa bàn TP.HCM là thu phí sử dụng vỉa hè, như quyết định 32 của UBND TP.HCM sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9.
Theo các vị chuyên gia, quyết định mới được ban hành là phù hợp nhưng chưa có quy định chi tiết về công tác giám sát và chế tài. Bên cạnh đó, chưa đề xuất thu phí với đối tượng hộ dân ở mặt tiền đường kinh doanh khi có nhu cầu sử dụng vỉa hè.
Không để hàng rong "di động" bao vây phố đi bộ Nguyễn Huệ
Theo UBND quận 1, trước tình trạng bán hàng rong xô bồ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận đã đề xuất trong đề án quản lý khu vực trung tâm là kết nối tuyến đường nhánh cho phép đỗ xe, giải quyết một phần áp lực. Ngoài ra, quận cũng tái bố trí khu vực đường Nguyễn Huệ để tạo không gian bán thực phẩm, góp phần quản lý tốt hơn phố đi bộ này.
Đồng thời, lực lượng công an của quận 1 cũng thường xuyên mở các chiến dịch kiểm tra hoạt động của hàng quán, xử lý nghiêm các địa điểm kinh doanh sử dụng shisha, bóng cười và các hoạt động phản cảm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online