Phải có đồng hồ nợ công
Liên quan tới đề xuất lập hòm nợ công để trước bàn lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, ông Trần Quốc Thuận – nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết, cách đây vài năm, vấn đề tài chính, nợ công cũng là bài toán nhức nhối với lãnh đạo nước Mỹ. Vào thời điểm đó, người dân Mỹ đã sử dụng chiếc đồng hồ nợ công làm phương tiện thử thách ý chí và bản lĩnh của vị tân Tổng thống là ông Obama.
Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, cũng đến lúc phải sử dụng chiếc đồng hồ nợ công như một biểu tượng nhắc nhở ý thức của chính lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành từ trung ương tới địa phương về món nợ 29 triệu nợ công mà mỗi người dân Việt Nam đang mang.
“Đồng hồ nợ công nên được đặt ngay tại nơi nào có thể nhắc nhở mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi vị lãnh đạo bộ ngành nhìn vào đó mà cân nhắc trước khi thông qua một chủ trương, một chính sách liên quan”, ông Thuận đề xuất.
Trao đổi thêm với báo Đất Việt về đề xuất trên, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, về chủ trương tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đặt đồng hồ nợ công ở đâu thì phải do cấp trên quyết định.
Ông Long cũng không đồng tình với cụm từ “mỗi người dân Việt Nam đang cõng 29 triệu tiền nợ công”, ông cho biết, cần phải nhìn nhận và hiểu cho đúng bản chất của vấn đề.
“Nợ đó là nợ có mang lại lợi ích cho Việt Nam hay không, nếu đi vay nợ nhưng không mang lại lợi ích gì thì dứt khoát một đồng cũng không vay. Tuy nhiên, đất nước chúng ta còn đang khó khăn, hầu hết các dự án, công trình của Việt Nam từ lớn tới nhỏ đều đang sử dụng từ tiền đi vay, như vậy, rõ ràng lợi ích cho nền kinh tế, lợi ích với người dân là có. Vấn để ở đây là làm sao sử dụng cho tiết kiệm, hiệu quả, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân cũng như các cấp lãnh đạo quản lý”, ông Long giải thích.
Cải cách toàn diện
Giải thích thêm về đề xuất của mình, ông Trần Văn Thuận dẫn lại lời nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Việt Nam cải cách kinh tế đã 30 năm nhưng thể chế kinh tế không có gì thay đổi... Các địa phương chạy đua xây trụ sở cơ quan, trụ sở hành chính, nơi nào cũng muốn so găng độ hoành tráng, ai cũng muốn mình to nhất, đẹp nhất, đầu tư nhiều tiền nhất. Hậu quả tất yếu là chi tiêu thường xuyên tăng nhanh, thu không đủ bù chi, Việt Nam phải đi vay để tiêu, vay để trả nợ. Gánh nặng nợ công mỗi ngày một đè nặng lên vai người dân nghèo.
Ông nói thẳng là không thấy một nước nào có chính sách điều hành, quản lý tài chính như Việt Nam. Miếng “bánh” ngân sách eo hẹp lại đang được phân bổ chênh lệch khi tới 70% phần chi dành cho chi thường xuyên, gây nên sự lãng phí. Chỉ còn 30% nguồn ngân sách dùng để trả nợ và đầu tư. Dẫn lại câu hỏi của ông Bùi Quang Vinh trước Quốc hội cho rằng: “Ngân sách chỉ còn 45.000 tỉ, vậy thì chi cái gì, tiêu cái gì?”.
Theo ông Thuận, lẽ ra trong bối cảnh đó chúng ta phải tính toán và có giải pháp kịp thời. Thế nhưng, thực tế là nguồn lực ngân sách vẫn đang phải phân tán, chi trả quá nhiều thứ. Ngay chính sách chi trả lương cho các cơ quan hành chính sự nghiệp hiện cũng không bình thường. Rất nhiều khoản chi không rõ ràng, lương, thưởng và phụ cấp nhập nhèm, không rõ ràng.
Vị chuyên gia cho biết, không loại trừ xu hướng tranh thủ số đông để tạo thêm vây cánh, tăng quyền lực bắt buộc lãnh đạo, cán bộ phải thực hiện những cách thức ban phát quyền lực, ban phát quyền lợi cho cấp dưới.
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chính sách tranh thủ số đông, tranh thủ quyền lực, tranh thủ lợi ích, vật chất sớm muộn sẽ trở thành mối đại họa đè nặng lên đầu người dân. Người làm ít, người ăn tiêu thì nhiều. Trong khi các nước là hàng ngàn người dân mới phải nuôi một ông công chức thì ở Việt Nam, có hơn 90 triệu dân đã phải nuôi tới 2,8 triệu công chức. Tính trung bình mỗi tháng lương một cán bộ, công chức khoảng 5 triệu =250 đô la, một năm 3000 đô la. Với 2,8 triệu công chức: 2,8 triệu cán bộ x 3000 đô la/năm = 8,4 tỉ đô la.
Tại các tổ dân phố, cán bộ phường, cán bộ tổ dân phố, thậm chí đến cả trưởng ấp cũng được nhận một mức phụ cấp mà thực chất chính là tiền lương từ 500-1 triệu đồng/tháng/người. Nhà nước không chỉ trả lương cho cá nhân, nhà nước còn phải trả lương cho cả các tổ chức, tập thể, hiệp hội thông qua hình thức hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng tháng, hàng năm… Một xã hội mà cái gì cũng phải bấu víu vào ngân sách nhà nước, chờ đợi sự bao cấp từ ngân sách thì rõ ràng chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy chọt biên chế, gian lận trong thi tuyển là dễ hiểu.
“Chạy biên chế không được họ lại tìm tới các hiệp hội, các tổ chức doanh nghiệp để được nhận lương. Rồi lại có thêm nhiều tổ chức, hiệp hội ra đời, rồi bộ máy nhà nước lại tiếp tục phình to, biên chế tăng thêm. Thậm chí, có cả hiện tượng tự thành lập các hiệp hội, tổ chức trực thuộc để đưa người thân, quen, họ hàng, “chân tay”, đệ tử của mình vào. Cùng với việc hình thành thêm các cơ quan, đoàn thể là chủ trương xây trụ sở, xin kinh phí, xin xe công… '' - ông Thuận cảnh báo.
Vị chuyên gia nói thẳng, không bao giờ có thể giảm được chi tiêu thường xuyên, không thể tiết kiệm được nếu không thực hiện cải cách tổng thể, không tinh gọn được bộ máy.
Trong bối cảnh nợ công tăng cao như hiện nay, Việt Nam đang đối diện với nguồn vốn ODA giá cao, trong khi nguồn lực trong nước còn non yếu, theo ông Thuận, nếu không khéo, chúng ta phải đối diện với hậu quả khó lường. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam muốn làm được phải dũng cảm chấp nhận đau, chịu hi sinh, phải thực hiện cải cách tổng thể, toàn diện, phải mạnh dạn thay đổi, cắt gọn từ bộ máy lõi.
“Câu chuyện này là thách thức rất lớn với Việt Nam. Vấn đề tinh gọn bộ máy hành chính, sắp xếp lại vị trí công việc đã nói, đã bàn từ nhiều năm nay nhưng không làm được. Không những cắt gọn được bộ máy mà bộ máy còn ngày càng phình to ra. Nói không tăng thêm biên chế thì biên chế vẫn tăng lên. Kêu gọi tiết kiệm nhưng lại cắt chỗ nọ bù chỗ kia, hô hào giảm chi tiêu thường xuyên nhưng lại đua nhau xin xây trụ sở hoành tráng, dự án công trình nghìn tỉ xin đầu tư rồi bỏ hoang. Như vậy là rất lãng phí, không thể tiết kiệm được, không thể giảm chi tiêu thường xuyên được”, ông Thuận nói thẳng.
Lam Lam/Báo Đất Việt