Chuyện giá nhà đất ở các đô thị lớn ở Việt Nam đắt đỏ, tăng nhanh, vượt quá thu nhập từ lương là một thực tế mà bất cứ ai trong cuộc cũng đều thấu hiểu.
Tôi có nhiều người quen là các kỹ sư trẻ ngành xây dựng, kiến trúc.
Làm việc trong lĩnh vực bất động sản, nhưng giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của các bạn này lại khá xa vời. Lương cơ bản của các kỹ sư trẻ khi mới vào làm ở doanh nghiệp là trên dưới 7 triệu đồng/tháng, và sẽ tăng dần lên mức hơn 10 triệu đồng/tháng sau 2 - 3 năm đi làm, cộng với tiền thưởng thì thu nhập hàng tháng có thể lên đến 15 triệu đồng.
Dĩ nhiên làm lâu năm lương sẽ cao hơn và cũng có những trường hợp đặc biệt "tài không đợi tuổi", được trả lương cao hơn, nhưng mức lương đại trà là như vậy. Đó là mức lương trong các công ty tư nhân, còn lương trong bộ máy hành chính theo hệ số thì chúng ta đều biết là còn khiêm tốn hơn.
Thu nhập trên giúp các bạn trẻ… thoát nghèo sau khi rời giảng đường đại học, nhưng nói đến câu chuyện tích lũy để mua nhà thì quả là rất xa vời. Bạn trẻ tôi quen biết, sau vài năm đi làm, quần áo đã tươm tất hơn, chiếc xe máy cũ kĩ cha mẹ cho ngày đi học đã được nhường lại cho em để đổi sang xe tay ga đời mới trị giá nhiều chục triệu đồng.
Vào những dịp lễ, tết, thay vì nhận những đồng tiền đẫm mồ hôi từ cha mẹ như hồi còn đi học, bạn này cũng đã có chút quà cáp cho các bậc sinh thành để tỏ lòng hiếu thảo.
Nhiều người dừng kế hoạch mua nhà vì giá rao bán tăng nhanh (Ảnh minh họa).
Nhưng, những ngày vui vì có việc làm và bắt đầu nhận những đồng lương đầu tiên không kéo dài bao lâu. Bởi cuộc sống đâu chỉ có ăn mặc, ai cũng phải tính chuyện tương lai, mà với người Việt thì "an cư lạc nghiệp" là bài toán quan trọng hàng đầu. Đi làm nhiều năm, lương tăng dần, nhưng cũng chỉ 15 triệu đồng/tháng và xu hướng là sẽ không có thu nhập đột phá, anh bạn trẻ kể trên tự trào phúng rằng "vừa thoát nghèo đã lập tức rơi vào… bẫy thu nhập trung bình".
Anh bạn tính toán như sau: Với thu nhập đạt mức ổn định là 15 triệu đồng/tháng, sau khi khấu trừ các khoản chi tiêu, cố lắm cũng chỉ tiết kiệm được từ 5 - 8 triệu đồng. Tính theo thời giá hiện tại, anh kỹ sư chuyên đi xây tổ ấm cho người khác mỗi năm sẽ mua được 1m2 nhà chung cư hạng trung bình tại Hà Nội.
Và như thế, sau khoảng 20 năm miệt mài lao động, chàng kỹ sư đó sẽ sắm được một tổ ấm theo quy định hiện hành của Bộ Xây dựng về diện tích căn hộ chung cư tối thiểu là 25m2! Dĩ nhiên theo cách tính này thì ước mơ với các căn hộ từ 50m2 trở lên sẽ phải tính bằng số tiền tích lũy cả đời người. Nhưng đó là trong điều kiện lý tưởng, không có sự việc gì ảnh hưởng đến thu nhập, và chưa lập gia đình. Còn nếu lập gia đình, phải nuôi con, thì có thể thấy ngay là lương chưa đủ sống, nói gì đến mua nhà.
Trong cân đối chi tiêu, nếu đầu vào không có đột phá để tích lũy thì phải nghĩ đến "bóp" đầu ra!
Nhìn lại các khoản chi cho cuộc sống hàng ngày, anh bạn trẻ thấy đã được hạn chế ở mức không thể hà tiện hơn, duy nhất khoản tiền thuê nhà là có thể điều chỉnh bằng việc hơn tìm thuê nhà rẻ hơn, sẽ ở xa trung tâm hơn.
Tuy nhiên, nhà ở xập xệ thì vừa vất vả, vừa lo lắng chuyện an ninh, đã thế chi phí xăng xe, mưa gió trên đường xa khiến cho lựa chọn này xem ra cái được chẳng bù cái mất.
Và thế là, giống như hồi sinh viên, vài người trong nhóm chơi với nhau ngày xưa cùng tụ lại thuê chung một căn phòng, dù có những bất tiện nhất định, nhưng bù lại, chi phí thuê nhà giảm đi đáng kể. Không chỉ có vậy, sau mỗi ngày làm việc vất vả, các bạn lại quây quần bên mâm cơm vừa vui, vừa đảm bảo sức khỏe lại khiến chi phí ăn uống hàng ngày giảm đi đáng kể. Vậy là, mấy anh chàng kỹ sư đã thành công trong việc "bóp" đầu ra.
Cả nhóm tiếp tục tìm kiếm chỗ ở mới có thể xa hơn một chút, không yên tĩnh và thuận tiện bằng nhưng lại có giá cho thuê hấp dẫn hơn. Và thế là, chỉ trong vài năm, khi thì quận này, khi thì phường khác, mấy chàng "dân du mục đời mới" đó có thể vanh vách chỉ ra những đặc điểm thuận lợi, khó khăn, chi phí… của hầu hết các khu trọ trong thành phố.
Cuộc sống dù khó khăn nhưng vẫn đầy ắp niềm vui.
Khi thì là những món quà quê, khi thì là dịp ai đó trong nhóm được tăng lương, thưởng hoặc đề bạt vị trí quản lý một nhóm công việc theo dự án. Không khí phòng trọ thực sự trở nên rộn ràng vào những dịp một thành viên nào đó "ra mắt" người yêu.
Căn phòng chật chội sẽ gọn gàng hơn, các chàng trai sẽ ăn vận chỉnh chu hơn với những phát ngôn muôn phần nhã nhặn, nhưng với họ, niềm vui lớn hơn cả là vì, đã có dấu hiệu báo trước của một cuộc chia tay đầy mong ước: một thành viên sắp… "theo vợ bỏ cuộc chơi".
Những cuộc chia tay đó, ngoài sự cầu chúc chân thành, còn bao hàm niềm hy vọng lớn trở thành động lực cho những người ở lại, để họ nhìn ra tương lai gần của mình và cố mà "cày cuốc" chăm chỉ.
Nhưng bài toán còn có những lời giải khác bằng cách "huy động sức mạnh tổng hợp", cố tích lũy vài ba trăm triệu đồng, rồi vay mượn gia đình, người thân, vay ngân hàng… để được sở hữu căn hộ nho nhỏ, thoát cảnh "đời du mục".
Hành trình này với những bạn trẻ mà gia cảnh khiêm tốn, cha mẹ không hỗ trợ được nhiều, thường phải mất ít nhất trên dưới 10 năm. Dĩ nhiên đi kèm với "có nhà rồi" là khoản trả nợ bào mòn 1/2 hay thậm chí 1/3 lương tháng, kéo dài trong nhiều năm.
Từ mỗi cảnh đời nhìn rộng ra, chính sách phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp nói riêng, vừa có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Và cũng từ mỗi cảnh đời nhìn rộng ra, có thể hiểu được vì sao các chính sách lành mạnh hóa thị trường bất động sản, chống đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường… lại được dư luận xã hội quan tâm như vừa qua. Giá nhà càng lên cao bất hợp lý, thì những tiếng thở dài của các bạn trẻ lại càng nhiều.
Một mùa xây dựng lại đến, thành phố vẫn như một công trường dang dở.
Đêm nay sẽ có nhiều khung cửa sổ sáng đèn, biết bao chàng "du mục" sẽ vùi đầu vào các bản dự toán công trình, thẩm tra các bản thiết kế và cả những chàng trai lỡ hẹn với người yêu vì còn phải giám sát mẻ bê tông muộn. Nhưng chắc chắn rồi, chỉ có mồ hôi chảy xuống thì họ mới được thưởng thức âm điệu từ những khúc hoan ca an cư!
Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.