Sau khi tiết lộ về cuộc sống của con trai gần 6 tuổi, diễn viên Hải Anh đã bị dư luận “ném đá” với những bình luận cho rằng, chẳng có gì đáng ngưỡng mộ trong cách bao bọc, chiều chuộng con như vậy.
Vốn được đồng nghiệp, khán giả quý mến vì sự vô tư, lặng lẽ làm việc, cống hiến… nên có lẽ đây là lần đầu tiên diễn viên Hải Anh bị bủa vây bởi những lời phán xét, chỉ trích. Nhưng thực tế, quan niệm, cuộc sống của anh có hoàn toàn như những thông tin trên mặt báo hay không?
Diễn viên Hải Anh và con trai. Ảnh: TL
Bài học cho Hải Anh
Trong một bài báo mới đây, “toàn cảnh” cuộc sống của con trai diễn viên Hải Anh được miêu tả như một “cậu ấm”: Chào đời ở bệnh viện 5 sao, học trường quốc tế, chỉ di chuyển bằng ô tô, có người giúp việc chăm sóc, thích ăn uống ở khách sạn…
Những thông tin này lập tức châm ngòi cho cuộc “ném đá” dữ dội với đa phần ý kiến cho rằng, nam diễn viên đang “khoe của” để chứng minh đẳng cấp “đại gia”.
Ngay sau đó, chúng tôi liên hệ với diễn viên Hải Anh. Anh cho biết, hiện đang rất mệt mỏi vì câu chuyện này và hầu hết mọi người đang không hiểu đúng ý anh muốn nói.
Theo đó, anh muốn đợi mọi việc lắng lại, bởi nếu lên tiếng vào lúc này thì những người đang hiểu nhầm sẽ tiếp tục cho đó là thanh minh, ngụy biện rồi tiếp tục tranh luận, bới móc trên các diễn đàn, gây phiền toái cho cuộc sống gia đình mình.
Chia sẻ với chúng tôi, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh – một người bạn thân thiết của diễn viên Hải Anh - tâm sự:
“Tôi là một trong những người bạn từ thời thơ ấu của Hải Anh nên tôi tự cho rằng, mình hiểu phần nào tính cách của anh ấy.
Việc Hải Anh chiều chuộng con, thậm chí có phần khiến cậu bé “nhờn” với bố như chúng tôi vẫn trêu chọc thì cũng là một lựa chọn rất thống nhất giữa cá tính con người anh ấy.
Trong bài báo, Hải Anh chia sẻ tương đối chân thành, thậm chí có chút hồn nhiên về cuộc sống của mình nên ồn ào nói trên là hiệu ứng truyền thông.
Những năm gần đây, nhiều trang báo thường khai thác về cuộc sống hào nhoáng của các sao showbiz từ căn hộ tiện nghi, xe “khủng”, đám cưới tiền tỷ, vợ đẹp con khôn... mà bỏ qua khía cạnh, họ đã lao tâm khổ tứ, lao động sáng tạo thế nào cho những hoạt động nghề nghiệp, thậm chí cả những cái giá phải trả, những hi sinh tinh thần để đạt được cuộc sống vật chất như vậy”.
Nhận định về “sự cố” của diễn viên Hải Anh, TS Thụy Anh chia sẻ:
“Trước đây, các báo mạng đã đưa khá nhiều thông tin dạng này về Hải Anh, chỉ khác là, lần này bài viết có vẻ chi tiết hơn và dường như cố gắng đưa ra một “bài học”, một thông điệp về việc nuôi dạy con của một “đại gia”.
Qua cách giật tít bằng các từ khoá “hot”, câu chuyện vốn đơn giản, không “diễn”, không “tô hồng” của một ông bố yêu con như nhiều ông bố khác bỗng trở nên khó chấp nhận, khiến mọi người phán xét, chê bai. Đó cũng là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng cộng với hiệu ứng truyền thông.
Tôi cho là diễn viên Hải Anh hoàn toàn hiểu được điều này và chấp nhận chịu đựng các nhận xét tiêu cực hướng vào mình và gia đình mình.
Tôi chỉ thương cậu bé Híp (tên thân mật của con trai diễn viên Hải Anh – PV) còn non nớt vô tư, trong clip cũng phản ứng rất hồn nhiên con trẻ, bé không đáng bị đưa ra để soi mói nhiều đến thế khi trên thực tế cậu đang hạnh phúc trong vòng tay bố mẹ.
Đây cũng là bài học nhỏ cho Hải Anh và cho cả những người khác khi quyết định chia sẻ các thông tin cá nhân, quan điểm cá nhân và hình ảnh cuộc sống riêng của mình trên mạng”.
Nỗi khổ “giàu vượt… sướng”
Trước khi có được cuộc sống sung túc như hiện tại, diễn viên Hải Anh từng trải qua những thời kỳ vô cùng khó khăn từ tuổi thơ túng thiếu đến năm tháng ngược xuôi đi làm thuê rồi thất bại nặng nề sau cơn “cuồng phong” chứng khoán.
Anh từng chia sẻ, đó là thời điểm luôn ở tình trạng “không có tiền”, nhiều lúc chỉ biết giam mình trong phòng tối vì sợ những ánh mắt dò xét của mọi người.
Quyết định bắt tay vào lĩnh vực thời trang với hai bàn tay trắng, anh khởi đầu trong vai trò nhân viên “đa zi năng”, từ bảo vệ, dắt xe đến bê vác đồ với cường độ làm việc từ 16 – 18 tiếng/ngày.
Kết hôn muộn, có con lúc tuổi đã gần 40, nam diễn viên dành nhiều tình cảm như sự bù đắp cho gia đình mình. Hiện tại, dù cuộc sống sung túc nhưng anh vẫn miệt mài với guồng quay từ việc kinh doanh, tham gia diễn xuất đến chăm sóc gia đình. Trong mắt đồng nghiệp, anh là người vô tư, cởi mở, làm việc trong sự thầm lặng và hoàn toàn không phải tuýp người bạ đâu “nổ” đó như những lời chỉ trích sau bài báo.
Riêng về phương pháp dạy con, anh tự nhận mình có phần “nhu nhược” và luôn cố gắng hạn chế nhược điểm ấy, hướng con đến cuộc sống tự lập và bản lĩnh.
Điều may mắn cho gia đình anh là tuy bé Híp được nuông chiều, sớm nhận thức gia đình mình “có điều kiện” nhưng cậu bé khá ngoan ngoãn, dễ gần, chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, cũng không có kiểu “lăn đùng ăn vạ”. Gần 6 tuổi nhưng cậu bé không xem tivi, không đụng đến smart-phone nếu bố mẹ chưa đồng ý.
Bàn về áp lực của một gia đình khá giả trong việc nuôi dạy con, TS Thụy Anh cho biết:
“Nếu trước đây người ta hay nói “nghèo vượt khó” thì giờ lại có câu “giàu vượt sướng”! Theo tôi, giàu hay nghèo đều có những vấn đề đau đầu như nhau.
Chỉ cần tin vào bản thân, vào đứa con, vào cách mình giúp con xây dựng bộ giá trị tinh thần theo từng ngày con lớn là mọi điều tự nó sẽ cân bằng. Những nhà có điều kiện thường sợ con biết nhà khá giả lại đòi hỏi, yêu sách, không lo học hành vì quá đầy đủ.
Thế là nhiều gia đình phải làm ra vẻ thiếu thốn hoặc đặt ra những nguyên tắc tự lập cho trẻ. Ở một thái cực khác, có những bố mẹ sẵn lòng đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của trẻ, muốn bù đắp cho con khoảng thời gian bố bận, mẹ phải đi làm xa liên miên... đó cũng là một lựa chọn dù không phải là phương án tối ưu”.
TS Thụy Anh bày tỏ: “Một trong những điều đôi khi cản trở các bậc cha mẹ tự tin trong vai trò của mình là những ý kiến bên ngoài, kể cả từ người thân. Những chỉ trích không thiện chí, phê phán vô lý đã đành, ngay cả những lời khuyên tốt, cố gắng đưa ra một khuôn mẫu nào đó để họ noi theo cũng có thể là bất cập.
Bạn không thể phán xét quan điểm dạy con hoặc cách đồng hành cùng con trong cuộc sống của người khác vì đó là lựa chọn dựa trên kiến thức, mong muốn của họ, ngoại trừ việc vi phạm quyền trẻ em. Thái độ chiều chuộng hay nghiêm khắc đều không phải là lý do để người ngoài can thiệp vào một gia đình khác”.
Theo T.Phương (Gia Đình & Xã Hội)